Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Triển vọng từ cây nhãn ở huyện Kbang

“Huyện Kbang hiện có trên 15 ha nhãn, được trồng nhiều tại các xã: Kông Lơng Khơng, Sơ Pai, Nghĩa An và thị trấn Kbang. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với việc người dân áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, thực hiện mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn gắn với chuỗi giá trị nên năng suất tăng 30% so với năm trước. Với giá bán 20-35 ngàn đồng/kg, người trồng nhãn trên địa bàn huyện có một mùa bội thu”-ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết.
Đặc sản Gia Lai, Trái cây Gia Lai, Trái cây Tây Nguyên, Trái cây cao nguyên, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Hương Chi, nhãn trái vụ, nhãn Kông Lơng Khơng, nhãn Sơ Pai, nhãn Nghĩa An, nhãn Kbang, nhãn Gia Lai, trồng nhãn
Vườn nhãn Hương Chi trĩu quả của gia đình chị Lê Thị Hảo ở thôn 4, xã Đông, huyện Kbang.

Niềm vui được mùa


Với kinh nghiệm 20 năm gắn bó với nhãn, cộng với thời tiết thuận lợi, hơn 100 gốc nhãn lồng Hưng Yên của gia đình ông Khuất Duy Phú (tổ 18, thị trấn Kbang) cây nào cũng trĩu quả. Mỗi cây cho sản lượng bình quân 3 tạ quả, cao hơn năm trước trên 30%. Ông Phú cho biết: “Tôi trồng nhãn từ năm 1998 nên nắm rất rõ quy luật phát triển của loại cây này. Theo đó, cứ chừng 4 năm là nhãn lại cho một mùa bội thu. Năm nay, trong vườn nhà tôi có cây cho sản lượng gấp đôi”.

Cũng theo ông Phú, yếu tố thời tiết chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật chăm sóc; khi cây ra hoa, đậu quả thì phải bón phân, phun thuốc kịp thời, đúng chủng loại, đúng liều lượng thì năng suất mới cao. Theo cách tính của ông Phú, mỗi cây nhãn của gia đình cho thu nhập 5 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (1 triệu đồng/cây), năm nay, gia đình ông lãi khoảng 400 triệu đồng, cao hơn năm trước gần 20 triệu đồng.

Cùng niềm vui được mùa, ông Lê Thanh Hải (làng Pơ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng) chia sẻ: Gia đình ông có trên 100 gốc nhãn giống Hương Chi. Nhờ thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả cao, ước tính mỗi cây đạt trên 2 tạ quả. Tuy nhiên, để cây không bị mất sức, ông Hải cắt bớt chỉ để những chùm chính, sau đó tiếp tục tỉa các quả bị sâu, mỗi cây chỉ để chừng 1 tạ, như vậy để cây dồn chất dinh dưỡng nuôi quả mau lớn, dễ tiêu thụ, giá bán cao. “Hiện nay, giá nhãn ổn định khoảng 20-35 ngàn đồng/kg. Năm nay, gia đình tôi thu về trên 300 triệu đồng, cao hơn năm ngoái chừng vài chục triệu đồng”-ông Hải phấn khởi nói.
Đặc sản Gia Lai, Trái cây Gia Lai, Trái cây Tây Nguyên, Trái cây cao nguyên, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Hương Chi, nhãn trái vụ, nhãn Kông Lơng Khơng, nhãn Sơ Pai, nhãn Nghĩa An, nhãn Kbang, nhãn Gia Lai, trồng nhãn
Vườn nhãn Hương Chi của ông Phạm Đình Thắng-tổ dân phố 8, thị trấn Kbang.

Sản xuất theo hướng hữu cơ


Tại Kbang, ngày càng có nhiều mô hình trồng nhãn định hướng nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, tạo dựng thương hiệu nông sản cho địa phương. Gia đình ông Mai Thanh Xuân (tổ dân phố 5, thị trấn Kbang) có trên 500 gốc nhãn lồng Hưng Yên và Hương Chi. Nhờ trồng ở vùng đất được bồi đắp phù sa sông Ba và được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, được khách hàng ưa chuộng. “Hàng năm, cứ tới vụ thu hoạch là thương lái từ Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Bình Định… đến tận vườn thu mua”-ông Xuân vui vẻ nói.

Ông Xuân cho biết thêm: Để vườn nhãn luôn xanh tốt, quan trọng nhất là khâu bón phân đúng liều lượng. Theo đó, định lượng phân chuồng hoai mục 40-80 kg/cây/năm, bổ sung phân NPK với liều lượng 8-10 kg/cây/năm. Bên cạnh đó, cần chăm sóc vườn cây một cách khoa học từ tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, tỉa cành tạo tán. Đặc biệt, khi phun thuốc bảo vệ thực vật nên dùng các loại thuốc được chiết xuất từ chế phẩm sinh học, đảm bảo 4 đúng (đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm và đúng thuốc)…

Ông Hồ Viết Cảm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kbang: Thời gian qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cử hội viên đi tham quan, học tập mô hình sản xuất mới, từ đó áp dụng vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Từ ngày được Hội Nông dân huyện Kbang cử đi học tập mô hình chăn nuôi khép kín, anh Phan Hồng Cương (thôn 5, xã Nghĩa An) về áp dụng mô hình vào chăn nuôi, trồng trọt của gia đình. Anh Cương chia sẻ: “Trước tiên, tôi nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế. Từ trùn quế, tôi thu được 2 sản phẩm đó là con trùn và phân, trùn làm thức ăn cho gà, vịt, cá…, còn phân bón cho hơn 50 cây nhãn. “Cây được bón phân đủ chất dinh dưỡng, phát triển khỏe mạnh, sức đề kháng cao, ít sâu bệnh. Nhờ vậy, năng suất vườn nhãn đạt trên 2 tạ quả/cây/năm”-anh Cương nói. Được biết, ngoài gia đình anh Cương, tại thôn 5 còn 4 hộ khác cũng thực hiện mô hình trồng trọt chăn nuôi khép kín, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: