Những năm qua, Hội LHPN xã Quảng Sơn (Hải Hà, Quảng Ninh) đã tích cực vận động các hội viên phụ nữ đưa những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương vào canh tác cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng ổi găng, ổi không hạt của gia đình chị Phùn Si Múi, bản Xiềng Thầm là một điển hình.
Trước đây, hơn 1ha đồi rừng của gia đình chị Phùn Si Múi đa phần là bỏ không hoặc trồng một số cây ăn quả như cam, bưởi nhưng do không hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014, sau khi được tập huấn về một số mô hình cây trồng mới, phù hợp với đất rừng, được hướng dẫn về kỹ thuật, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo đồi vườn, phục hồi đất, trồng xen canh hơn 400 gốc ổi, 200 cây phật thủ và bưởi Diễn. Nhờ áp dụng đúng quy trình hướng dẫn nên sau 1 năm, các loại cây sinh trưởng, phát triển tốt cho thu hoạch tương đối với giá bán từ 25.000 – 30.000đ/kg ổi và 100.000đ/quả phật thủ, trừ mọi chi phí, từ mô hình cho lãi suất hàng trăm triệu đồng/năm.
Mô hình của gia đình chị Múi tuy mới được triển khai từ đầu năm 2014 nhưng cho hiệu quả kinh tế tương đối, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và thực hiện thành công việc chuyển đổi quỹ đất, thâm canh tăng vụ ở các xã vùng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khởi – Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn khẳng định: "Những năm gần đây, thực hiện chủ trương, nghị quyết của huyện về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hằng năm, xã tổ chức cho một số hội viên của Hội phụ nữ, Hội nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên đi thăm quan, học tập những mô hình mới ở các tỉnh, thành vùng cao nhằm trao đổi kinh nghiệm và học tập phương thức canh tác cho hiệu quả kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã, nhiều hội viên và bà con nông dân đã dần chuyển đổi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cho hiệu quả kinh tế và đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo".
Với mô hình chuyển đổi quỹ đất, thâm canh tăng vụ cho hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới, huyện Hải Hà tiếp tục tuyên truyền vận động các gia đình mạnh dạn chuyển đổi và đưa các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và chăn nuôi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững ở một xã vùng cao.
0 nhận xét: