Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Người dân vẫn đầu tư, chăm sóc vườn nhãn

Không nằm ngoài điệp khúc nông sản mất mùa, mất giá, nhiều diện tích nhãn da bò ở ấp 10, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) cho năng suất thấp do bệnh chổi rồng tấn công. Đã mất mùa còn rớt giá, thế nhưng không vì thế mà nông hộ nơi đây bỏ không đầu tư chăm sóc.
đặc sản Bình Phước, trái cây Bình Phước, trái cây miền Đông, nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng, nhãn ido, nhãn Tân Hiệp, nhãn Hớn Quản, nhãn Lộc Thái, nhãn Lộc Ninh, nhãn Bình Phước, nhãn miền Đông, trồng nhãn
Bà Lý Thị Dung, vợ ông Phạm Văn Sỹ chỉ những cây nhãn ít trái do ảnh hưởng bệnh chổi rồng.
Đã 22 năm trồng nhãn kể từ khi lên Bình Phước sinh sống (năm 1996), với 1,5 ha nhãn da bò, chưa năm nào vườn nhà ông Phạm Văn Sỹ ở ấp 10, xã Tân Hiệp lại thất thu như vụ nhãn này. Nguyên nhân một phần do cây già cỗi, phần khác bị bệnh chổi rồng hoành hành. Trước đây, 2 năm ông xử lý cho trái 3 vụ, nhãn xum xuê, trĩu quả, mỗi lần thu hoạch xong, ông đều tổ chức ăn uống để chiêu đãi nhân công. Nay cây già cỗi ông chỉ làm 1 vụ/năm và cho thu hoạch rải làm 3 đợt và không thuê người làm.

Ông Sỹ nói: “Trước đây tôi thu 26-27 tấn nhãn/năm, với giá 17-18 ngàn đồng/kg, không năm nào thu nhập dưới 400 triệu đồng. 4 năm nay, nhãn bị bệnh chổi rồng nên thất hoài. Con số giảm dần xuống 13 tấn rồi 9 tấn và giờ còn vỏn vẹn 7 tấn, đã vậy còn rớt giá”. Hiện nay, trồng nhãn chi phí nhiều hơn trước do phân bón, thuốc, nhân công đều tăng nhưng giá bán, sản lượng lại giảm.

Trong khi cây bệnh nhiều nên tốn kém hơn, ông Sỹ không thuê nhân công mà 4 người trong gia đình tự chăm sóc để giảm chi phí. “Ở quê Tiền Giang, người ta nói bệnh chổi rồng do bị nhện đỏ tấn công. Cách đây 3 năm, thu trái xong tôi mua thuốc đặc trị nhện đỏ xịt liên tục, khi cây ra đọt 5-6 tầng lá xử lý cho cây ra trái nhưng sau đó vẫn bị chổi rồng tấn công” - ông Sỹ cho biết.

Bệnh chổi rồng gây hại trên chồi non và chùm hoa khiến chồi non bị bệnh mọc thành chùm với nhiều nhánh nhỏ, ngắn, biến dạng, cong quẹo, vặn xoắn, nhánh bệnh co cụm trông như bó chổi. Bệnh làm chồi non, chùm hoa không phát triển, giảm khả năng ra hoa, đậu trái, trái kém chất lượng. Bệnh khiến việc thuê nhân công của người trồng nhãn ở ấp 10 gặp khó. Có chùm trái đã gần chín nhưng đọt vẫn ra chổi rồng khiến việc thu hoạch vất vả, thay vì bẻ ngang thì người hái phải lặt, lựa trái ra khỏi phần bị chổi rồng.
đặc sản Bình Phước, trái cây Bình Phước, trái cây miền Đông, nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng, nhãn ido, nhãn Tân Hiệp, nhãn Hớn Quản, nhãn Lộc Thái, nhãn Lộc Ninh, nhãn Bình Phước, nhãn miền Đông, trồng nhãn
Vườn nhãn tiêu da bò trái vụ ở xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh.
Hiện ấp 10 có nhiều hộ xuống tàn nhãn, cưa bớt cây bởi quá cao, đợi 1-2 năm sau cây ra tược mạnh rồi mới xử lý cho ra trái. Ông Lê Thanh Lịch ở cùng ấp có hơn 1,2 ha nhãn, năm 2017 thu hơn 10 tấn, vụ này chỉ thu 2-3 tấn, với giá 7-8 ngàn đồng/kg, ông gần như trắng tay. Ấp còn có trường hợp trồng hàng chục héc ta nhãn, bị chổi rồng nhiều, khó thu hoạch, phải lấy dao chặt nhánh cho trái rụng và bán nhãn sấy khô với giá rẻ, thu hoạch xong phải cưa do cây quá cao.

Toàn ấp có khoảng 80 ha nhãn, năng suất bình quân năm 2018 khoảng 4 tấn/ha. Ông Phạm Văn Sỹ là người trồng nhãn cao nhất, nhì ở ấp mà năng suất còn giảm mạnh so với năm 2017. Các hộ khác còn thất thu hơn nhiều, có vườn trái nhỏ bằng đầu đũa nhưng bị chổi rồng rất nhiều. Năng suất vườn nào cao lắm cũng chỉ bằng khoảng 50% vụ trước, còn lại nhiều hộ chỉ đạt hơn 30%” - anh Phùng Hữu Thuận, Chi hội trưởng nông dân ấp 10 nói.

Bà Nguyễn Thị Kiều có 2,2 ha nhãn ở cùng ấp cho biết: “Một phần cây bị bệnh chổi rồng, phần do thời tiết không thuận lợi nên cây không ra bông dẫn đến thất thu. Giá bán thấp, từ 14 ngàn đồng/kg lúc đầu, sau giảm còn 10 ngàn/kg tôi cũng phải bán để dọn vườn. Năm 2017, tôi thu được 20 tấn, năm 2018 còn 12 tấn. Mọi năm thu được gần 300 triệu đồng, năm nay chỉ thu 100 triệu chưa trừ chi phí. Năm 2018, vườn nhãn bị chổi rồng nhiều nhất. Gần nhà tôi có hộ đầu tư 200 triệu đồng để xử lý nhưng cây không ra trái, giờ bỏ không, chỉ được lác đác trái” - bà Kiều cho biết.

Trồng nhãn từ năm 1999 đến nay, kinh nghiệm của bà Kiều là phải tỉa cành nếu không nhãn sẽ không ra trái. Chỉ có hai mẹ con làm, không thuê nhân công, gia đình sống dựa vào vườn nhãn là chính trong khi đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất tốn kém. Thế nên dù thất thu nhưng bà Kiều vẫn gồng mình đầu tư hệ thống tưới tự động trị giá mấy chục triệu đồng. Cũng như ông Sỹ, bà Kiều khẳng định cây nhãn rất khó trồng, phụ thuộc lớn vào thời tiết, khi cây ra bông gặp thời tiết thuận lợi, bông phát triển tốt, ngược lại sẽ bị bệnh chổi rồng tấn công. Có khi giữa hai vườn, thời gian xử lý ra bông chỉ chênh lệch vài ngày nhưng có vườn được mùa, có vườn lại bị bệnh chổi rồng hàng loạt.

Theo nhiều nông hộ ở đây, nguyên nhân gây nên bệnh chổi rồng là do thời tiết, phần do dùng thuốc kích thích ra bông, đậu trái khiến cây suy kiệt dẫn đến bị bệnh. Chổi rồng là bệnh gây hại nặng đến năng suất, phải phòng ngừa là chính. Nhiều diện tích nhãn trong ấp trồng đã nhiều năm nên cần cắt tỉa vừa tầm hái để dễ thu hoạch và hạn chế bệnh chổi rồng. Đã mất mùa còn thêm rớt giá, khó chồng khó nên nhiều hộ dân trong ấp chọn cách xen canh bưởi da xanh, cam, quýt để tăng nguồn thu cho gia đình.

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: