Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, gia đình ông Chu Văn Sủi, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, đã mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây cam canh. Đến nay, mô hình trồng cam canh của gia đình ông đã cho thu nhập với hiệu quả kinh tế đạt hơn 100 triệu đồng/ vụ/năm.
Trên diện tích gần 03 ha đất đồi của gia đình ông Chu Văn Sủi, cách đây hơn 2 năm về trước là đất trồng keo lấy gỗ nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng có múi của huyện Hải Hà và xã Quảng Thành trong việc phát triển thành vùng chuyên canh cây có múi, ông Chu Văn Sủi là hộ đầu tiên, mạnh dạn đưa cây cam đường canh vào trồng thử nghiệm.
Ông Sủi cho biết, bản thân vốn là người làm vườn, nhận thấy điều kiện đất đai và thổ nhưỡng rất phù hợp trồng cây có múi, đặc biệt là trồng cam canh, gia đình ông đã từ huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) ra thôn Hải Đông, xã Quảng Thành (Hải Hà) để trồng cam canh. Do đã có kinh nghiệm trong việc trồng cam tại huyện Lục Ngạn, lại chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kĩ thuật trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cam canh, vụ cam đầu tiên này, gia đình ông đã được thu hoạch. Với trên 1.000 gốc cam đường canh cho bói quả đạt trên 3 tấn quả, giá bán thị trường từ 35.000 – 40.000 đ/kg, vụ cam này, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng thu về 100 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam đường canh, ông Chu Văn Sủi cho biết thêm: Cam canh là loại cây "khó tính", đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để trồng cam canh đạt hiệu quả, ông Sủi áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bảo vệ: Từ việc làm đất, chế độ phân bón, đến việc phòng trừ sâu bệnh đều phải thực hiện đúng kỹ thuật.
Cam canh là loại cây trồng rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh nên đòi hỏi người trồng phải có sự đầu tư cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ. Trồng cam canh phải có chế độ thoát nước tốt, đất được cày ải, phơi nắng rồi lên đất thành từng luống. Khi trồng cây, sử dụng phân chuồng hoai mục làm phân bón lót để tăng độ bền cho cây. Tháng Giêng cây ra hoa và đến tháng 11 - 12 dương lịch thì cam cho thu hoạch. Trong quá trình trồng, đặc biệt phải cung cấp đầy đủ nước cho cây cam canh thì chất lượng cam mới thơm, ngon.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng, gia đình ông Sủi chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ do gia đình tự ủ. Đây là bí quyết để cam của gia đình ông Sủi được người tiêu dùng đánh giá cao, các thương lái đến thu mua tận vườn mà không cần phải mang bán ngoài chợ. Về hướng đi trong thời gian tới ông Sủi cho biết, cây cam canh cho hiệu quả kinh tế rất cao so với các giống cây trồng khác. Trong thời gian tiếp theo, gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đồng thời đưa những tiến bộ khoa học kĩ thuật mới vào sản xuất để tạo ra những quả cam canh thơm, ngon.
Ông Sủi cũng mong muốn huyện Hải Hà và xã Quảng Thành tiếp tục mở các lớp tập huấn về kĩ thuật cũng như tuyên truyền vận động bà con nhân dân mở rộng diện tích để tạo ra vùng trồng cam canh quy mô lớn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, từng bước tạo dựng thương hiệu cho cây cam canh của xã Quảng Thành nói riêng và cam canh Hải Hà nói chung.
"Gia đình ông Chu Văn Sủi, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành là hộ nông dân rất mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế. Gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên của xã Quảng Thành trồng thành công mô hình cây cam đường canh và cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ mang lại thu nhập kinh tế cho gia đình, ông Sủi còn luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác trên địa bàn xã về các kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam để bà con nông dân có thể áp dụng vào mô hình của gia đình cho hiệu quả kinh tế cao” - Ông Trần Văn Trí – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành phấn khởi cho hay.
0 nhận xét: