Sơn Mai (Hương Sơn), từ nhiều năm nay được xem là vựa cam bù lớn nhất Hà Tĩnh với nhiều mô hình lớn nhỏ thu bạc tỷ mỗi năm. Nếu như những năm trước, tầm này thương lái đã tìm vào các trang trại, mua bán tấp nập thì năm nay, không khí lại khá đìu hiu do cam chín quá muộn.
Chị Trần Thị Duyên - chủ trang trại ở vùng Thanh Mai cho biết: “Gia đình tôi hiện có khoảng 1.000 gốc cam bù, năm nay đã quá nửa tháng 12 rồi nhưng cam vẫn chưa kịp chín, thương lái cứ vào hỏi rồi bỏ đi. Như các năm trước, tầm này chúng tôi đã bán gần hết, chỉ trừ lại cam đẹp để bán tết, nhưng năm nay chưa xuất vườn được quả nào nên chúng tôi vô cùng lo lắng".
Thông thường, cam bù được các chủ vườn xuất bán số lượng lớn trong dịp trước tết Nguyên đán và dịp sát tết như hiện nay, giá cam đã lên từng ngày, đạt mức 50 – 60 nghìn đồng/kg tại vườn. Tuy nhiên, với tình hình năm nay, nhiều chủ vườn lo lắng, giá cả sẽ không cao, hơn nữa, thời vụ thu hoạch sẽ phải kéo dài tận sau tết, thường là thời điểm giá cam rớt kịch sàn.
Chị Trần Thị Khai ở thôn Kim Lĩnh cho biết: “Năm ngoái, tầm này, vườn cam bù của tôi ngày nào cũng nườm nượp thương lái từ khắp nơi đổ về. Giá cam có lúc tăng lên từng giờ. Tuy nhiên, năm nay, cam bù đang chua nên tôi cũng chưa dám bán. Thu hoạch muộn khiến chúng tôi thiệt đơn thiệt kép vì giá vừa thấp vừa phải kéo dài thời vụ gây ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc cây cho mùa sau”.
Do chín muộn nên số lượng cam bù được tiểu thương bày bán ở chợ rất ít ỏi, nếu có cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Dạo quanh các chợ ở Hương Sơn như chợ thị trấn Phố Châu, chợ Rạp (Sơn Trung), chợ Nầm (Sơn Châu), chợ Choi (Sơn Hà), tình hình đều giống nhau. Các tiểu thương chủ yếu vẫn đang bán cam chanh, cam đường, cam nốm, còn cam bù chỉ rải rác vài hàng với số lượng rất ít. Thực tế đó cũng khiến các cửa hàng nông sản ở những thành phố lớn như Hà Tĩnh, Vinh… vắng bóng mặt hàng này.
Cam bù chín muộn không chỉ gây thất thu về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tiến độ chăm sóc, phân bón cho cây. |
Chị Nguyễn Thị Hải - tiểu thương ở chợ Nầm (Sơn Châu - Hương Sơn) cho biết: “Cam bù là một trong những lợi thế của người buôn cam Hương Sơn do chất lượng vượt trội. Thông thường, chúng tôi không chỉ bán lẻ ở chợ mà chủ yếu nhận các đơn hàng xa với số lượng 3 – 5 tạ mỗi ngày. Năm nay, cam chín muộn khiến các đơn hàng này đều chững lại, những tiểu thương buôn cam như chúng tôi bị mất đi một nguồn thu không nhỏ”.
Ở huyện Hương Sơn, cam bù được trồng nhiều nơi nhưng cam bù Sơn Mai được đánh giá là ngon nhất. Toàn xã Sơn Mai hiện có hơn 60ha cam bù đã cho thu hoạch. Năm nay, cam bù chín muộn là do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là do thời tiết không thuận lợi.
Quả cam bù muốn chín ngọt vốn dĩ cần thời tiết khô ráo trong điều kiện nhiệt độ thấp, tuy nhiên, năm nay các đợt mưa rét lại tập trung vào thời điểm cuối năm khiến quá trình biến đổi hoá sinh của quả bị ảnh hưởng. Đến thời điểm hiện tại, những chủ trang trại cam bạc tỷ ở Sơn Mai đều đang đặt niềm hy vọng vào thời tiết. Nếu từ nay đến tết trời nắng về ban ngày và lạnh về ban đêm thì người trồng cam vẫn còn hy vọng…
0 nhận xét: