Đến Ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), nhìn vườn nhãn trĩu quả, ít ai biết được rằng chủ nhân khu vườn là thương binh. Sống ở vùng đất chuyển dịch trồng lúa trên đất nuôi tôm, nhưng những năm trở lại đây, ông Quách Văn Sử vẫn quyết tâm ngăn mặn giữ ngọt để trồng màu và cây ăn trái. Để có mô hình xanh tốt như hiện nay, ông đã phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Đáp lại sự chịu thương, chịu khó của ông Sử, vườn cây cho trái trĩu cành.
“Ban đầu sợ bị nhiễm mặn nên tôi đắp liếp cao lắm, rồi đào mương thoát nước mặn nên hơn 2,4ha đất trồng màu của tôi luôn được giữ ngọt quanh năm. Mất nhiều năm để tìm tòi học hỏi cách làm mới, ông đã mạnh dạn bơm gần 200 khối cát lấp vào diện tích vườn để mở rộng trồng nhãn da bò. “Hên” là được nằm trong top nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh nên được đi tham quan nhiều mô hình của các tỉnh bạn, được tiếp cận những mô hình hay. Từ đó, “mang về” áp dụng cho quê mình. Ai cũng hỏi vì sao tôi phải trộn cát và trấu vào từng gốc nhãn? Vì nhãn da bò sống được ở vùng có nhiều cát, về vùng đất nhiễm phèn này, cây nhãn cũng có thể sống nhưng không tốt nên tôi mới nghĩ ra cách này”, cựu chiến binh Quách Văn Sử bộc bạch.
Là người đầu tiên trong vùng thử nghiệm cách trồng loại cây mới, từ khởi đầu nhiều khó khăn, do chưa biết cách trồng và chăm sóc, hiện nay ông đã trồng thành công 250 gốc nhãn, cho thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/năm. Ông Sử cho biết vườn nhãn nhà ông mỗi năm cho ra 2 đợt trái (vụ 1 từ tháng 6 - 7 âm lịch; vụ 2 từ tháng 12 đến tháng Giêng).
Ông Mười Sử cho biết, có khả năng “ép” cây cho ra trái theo ý mình.
Ông Mười Sử cho biết, có khả năng “ép” cây cho ra trái theo ý mình bằng cách tỉa trên thân cây rồi bọc lại, khoảng 1 tháng sau nhánh được tỉa sẽ ra bông, kết trái.
Dâu Cái Tàu không còn ở thế độc tôn, mà du khách khi về U Minh còn biết thêm giống nhãn da bò “bén duyên” trên vùng đất mặn. Nói về hướng phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới, ông Sử phấn khởi: “Phải chuẩn bị kỹ trước khi mở rộng, dưới ao tôi sẽ nuôi thêm cá cho khách tự câu, làm lại mảnh vườn đáp ứng đủ lượng trái cho khách tham quan. Đặc biệt là khâu phục vụ, làm du lịch cộng đồng là phải làm cho tới, phải đặt uy tín lên trước, không thể theo kiểu treo bảng cho khách vào tham quan mà cây toàn lá, như thế thì khách sẽ không trở lại lần 2. Muốn làm được như thế thì phải có thêm vài hộ cùng làm, mở rộng thêm diện tích. Đồng thời các ngành chức năng cần hỗ trợ chuỗi liên kết giúp cho đầu ra được ổn định, như thế người dân mới mạnh dạn làm du lịch”.
Du khách vào vườn không chỉ được tham quan mô hình mà còn được tự tay hái trái chín.
Cà Mau đang phát triển mạnh ngành “công nghiệp không khói”, những mô hình như vườn nhãn nhà ông Mười Sử rất cần được khai thác và nhân rộng.
0 nhận xét: