Có dịp quay trở lại thăm vùng đất Nông thôn mới Trung Thành (Vị Xuyên), mới thấy làng quê như khoác lên màu áo mới với diện mạo trù phú. Những con đường bê – tông phẳng lỳ nối liền các thôn, xóm; trên khắp các sườn đồi là những vườn cam trĩu quả, chuẩn bị vào niên vụ thu hoạch mới. Những năm gần đây, cây trồng chủ lực này đã giúp cuộc sống của người dân Trung Thành “thay da, đổi thịt” từng ngày, đưa diện mạo nông thôn của địa phương thực sự mới!
Trung Thành có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự phát triển của cây cam. Với màu vàng óng ả, căng mọng đến từng tép, múi và vị ngọt đậm đà, cam Trung Thành được nhiều người sành ăn và thương lái đánh giá ngon, đẹp hơn cam ở các địa phương khác trong huyện, tỉnh. Với giá thành cao, cây cam đã đem lại thu nhập khá cho người dân, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá, giàu từ trồng cam.
Hiện nay, toàn xã có trên 270 ha cam, gồm cả cam Sành và cam Giấy. Trong đó hơn 80 ha đang cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam sai trĩu quả, anh Nông Văn Sáng, thôn Bản Tàn cho biết: “Gia đình có hơn 1 ha cam, gồm cả cam Sành và cam Giấy. Hiện, cây cam Giấy đang vào vụ thu hoạch, giá bán khoảng 8 – 10.000 đồng/kg. Cam Giấy có thời gian thu hoạch kéo dài hơn so với cam Sành, thường thu từ tháng 10 năm trước đến giữa tháng 3 năm sau, giá bán cũng ổn định hơn. Vì vậy, cùng với phát triển cây cam Sành, gia đình tôi và nhiều hộ khác cũng dành diện tích để nhân rộng cây cam Giấy nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình”. Với mẫu mã đẹp, quả to và đồng đều, mọng nước, có vị ngọt mát, sản phẩm cam Giấy Trung Thành cũng được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng bên cạnh đặc sản cam Sành nức tiếng.
Ngắm những vườn cam sai mọng đầy cành, anh Hoàng Văn Chuẩn, thôn Bản Tàn không giấu nổi niềm vui: “Được sự hướng dẫn của chính quyền xã, hiện nay các hộ dân đã dần hướng đến sản xuất theo tiêu chẩn VietGAP để nâng cao giá trị kinh tế cây trồng. Cam trồng theo quy trình VietGAP cây phát triển tốt hơn, cho quả to, đều, đẹp, vỏ nhẵn, mọng nước. Trước đây khi chưa trồng theo quy trình, quả cam thường bị sần vỏ, khô tép, giá bán không cao. Sau hơn 2 năm thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giờ đây vườn cam gia đình tôi cho quả mẫu mã đẹp và chất lượng thơm ngon hơn hẳn, vì thế giá bán cũng cao hơn nhiều. Các thương lái còn đến tận vườn để đặt mua từ khi quả còn non…”.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Khổng Văn Tuấn được biết, thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chính quyền xã đã xác định cây cam là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, thôn, bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cam trên những diện tích đất đồi tạp, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả khác, trồng dặm vào những diện tích mất khoảng, già cỗi.
Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đặc biệt là hướng dẫn người dân đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao giá trị kinh tế từ cây cam. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm cam của địa phương.
0 nhận xét: