Ngày xưa rất xưa rồi, khi túi nhựa chưa có thì phàm là miếng cá, miếng thịt, rau củ hay trái quả đều được gói bằng lá chuối, lá dong các loại.
Ngày đó, người ta sử dụng cũng không phải vì môi trường mà là vì tiện lợi, và vì lá chuối, lá dong giữ tươi tốt vô cùng. Song chúng ta vẫn sống vì sự tiện lợi ấy đến ngày nay. Chúng ta đã bỏ lá chuối, lá dong khi túi nilon xuất hiện.
Ngày nay, khi đi siêu thị, cứ mỗi lần mua một quả cà chua cũng phải bỏ túi đem cân, mua vài quả ớt cũng thế. Cứ mua đủ các thành phần cho một nồi canh chua bao gồm giá đỗ, dứa (thơm), cà chua, rau, đậu bắp... thì sơ sơ cũng mất khoảng 5 - 6 chiếc túi nilon.
Nhiều siêu thị, cửa hàng cũng vì sự tiện lợi của khách hàng mà đóng gói sẵn rau củ quả trong túi nhựa hoặc khay nhựa. Như vậy, nếu đi chợ cho cả tuần thì dễ là mất đến 10 túi hơn chứ không ngoa. Nhân con số này lên hàng nghìn, hàng triệu người, ta sẽ có một lượng chất thải nhựa khổng lồ không được tiêu tán đi đâu trong... 500 năm tới.
Song, đáng mừng là nhiều người trong chúng ta ý thức được việc này, rằng việc ăn uống của mình đã ảnh hưởng đến môi trường thế nào. Chính vì vậy mà từ năm 2018 đến nay, có rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã tham gia giảm rác thải nhựa. Mà một trong số những động thái ấy là, học ông bà ta ngày xưa để sử dụng lá chuối, lá dong mà gói thực phẩm. Mới đây, một siêu thị ở Chiang Mai (Thái Lan) đã hoàn toàn đóng gói sẵn các món rau củ bằng lá chuối. Thay vì dùng hộp nhựa và bọc lại bằng màng thực phẩm.
Có thể thấy, các loại rau củ đã được chia thành nhiều phần nhỏ vừa ăn và được gói lại bằng lá chuối. Thực khách chỉ cần mang đi cân rồi tính tiền chứ không cần phải bỏ vào túi nilon nhỏ riêng.
Nhiều người cho rằng thế nào thì người mua cũng phải dùng túi nilon để chứa tất cả những món này, tuy nhiên sự thật là dù có như thế thì số túi nilon có thể tiết kiệm được cũng là rất lớn rồi. Thay vì cho rau củ vào túi nilon để đem cân, thì ta có thể cầm cả bó được bọc lá chuối đem cân. Như vậy, thay vì tốn 5-7 túi cho một lần đi chợ, ta sẽ chỉ tốn ít nhất 1 - 2 túi mà thôi. Mặt khác, khách hàng cũng có thể triệt để lựa chọn không sử dụng túi nilon nếu mang theo làn đi chợ của riêng mình. Nhiều người cũng cho rằng việc đóng nói như vậy cũng tiết kiệm được khay nhựa.
Mặt khác, hiếm ai biết rằng nhiều loại túi nilon được sử dụng trong các siêu thị đều có nhãn mác "phân huỷ được", tuy nhiên các túi này không phải chất hữu cơ có thể phân huỷ hoàn toàn, mà bị phân thành các hạt vi nhựa li ti. Do đó, đây cũng không phải là cách giải quyết tốt cho sức khoẻ và môi trường.
Trong thực tế, không chỉ có siêu thị Chiang Mai mà ở một số nơi tại Ấn Độ cũng đã bắt đầu cấm sử dụng túi nilon dùng một lần rồi bỏ kể từ năm 2019, mà đáng ngạc nhiên là chính các hàng quán vỉa hè là nơi đi tiên phong trong việc này. Họ cho rằng việc phục vụ thức ăn nóng trên chén đĩa nhựa sẽ gây ra phản ứng hoá học, gây hại cho cơ thể.
Ở Việt Nam, xu hướng bọc thực phẩm bằng lá chuối cũng không phải là khái niệm mới. Nếu cẩn thận ngẫm lại, hầu hết các món ăn, món bánh truyền thống của chúng ta đều được gói bằng lá chuối, lá dong.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà chúng ta bắt đầu quen với sự tiện lợi và dùng túi nilon cho nhiều sản phẩm. Tuy nhiên sự thật là không có gì có thể thay thế được lá chuối cho các món ăn truyền thống, chúng ta vẫn chưa bao giờ ngừng sử dụng lá chuối trong ẩm thực Việt Nam.
Với "căn cơ" như vậy, thiết nghĩ rằng việc chuyển hướng sang sử dụng lá chuối bọc thực phẩm có vẻ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với bạn bè quốc tế. Bạn có nghĩ là đã đến lúc các quán ăn, cửa hàng của Việt Nam cũng nên du nhập xu thế quay về với lá chuối hay không?
0 nhận xét: