Những cơn gió lạnh của mùa Đông khiến nhiều người chỉ muốn cuộn mình trong chăn ấm, nhưng từ tờ mờ sáng các amí ở buôn Bàng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đã sẵn sàng cơm, nước để đi vào rừng nhặt quả Kơ nia.
Bà H’Bhang Byă (tên thường gọi là amí Hang) cho biết, cây Kơ nia mọc nhiều ở khu vực huyện Lắk và Buôn Đôn. Hễ cứ hết mùa rẫy (tháng 12), một số người trong buôn lại vào rừng nhặt quả Kơ nia mang về nhà đập lấy hạt ăn sống hoặc rang chín. Thuở trước, khi lên nương rẫy, nhìn thấy quả Kơ nia rụng đầy gốc cây nhưng không ai dám ăn vì sợ quả độc. Một lần tình cờ phát hiện ra những con sóc tha quả Kơ nia về tổ làm thức ăn người dân mới đập ra ăn thử, cảm giác thơm, béo ngậy đọng mãi trong miệng.
Hai năm trở lại đây, hạt Kơ nia bắt đầu được nhiều người biết đến, trở thành món ăn vặt thay cho hạt bí, hạt dưa, ăn một lần là nhớ mãi. Do vậy, du khách mỗi lần đến Tây Nguyên đều tìm mua một ít hạt Kơ nia về làm quà. Nhờ đó, mùa Kơ nia rụng quả người dân ở buôn Bàng có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ hạt đặc sản của núi rừng Tây Nguyên. “Trung bình mỗi ngày tôi nhặt được khoảng 3 - 5 kg quả, được các tiểu thương đến tận nhà mua với giá từ 100 - 150 nghìn đồng/kg. Công việc nhặt hạt Kơ nia không nặng nhọc, nhưng phải vượt đồi, vượt suối mới có thể đến được những cây Kơ nia”, amí Hang vừa nói vừa rảo bước nhanh về phía rừng có những cây Kơ nia đang vào mùa rụng quả.
Rời buôn Bàng, chúng tôi đi ngược lên hạ nguồn con sông Sêrêpốk đến Trung tâm Du lịch Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), nơi đây có nhiều dân tộc cùng nhau sinh sống như Êđê, M’nông, Lào... Theo những người già ở buôn Trí A (xã Krông Na), hiện nay trong buôn không còn cây Kơ nia, muốn nhặt quả này bà con phải đi đến buôn Súp (khu vực trạm 7, giáp ranh với huyện Ea Súp) cách buôn khoảng chừng 20 km. Trong quá trình sinh sống cùng với các dân tộc khác, người Lào ở huyện Buôn Đôn cũng đã biết được nhiều lợi ích của cây Kơ nia, trong đó có việc đi nhặt hạt về ăn và bán cho du khách.
Vào dịp Tết Nguyên đán, giá hạt Kơ nia thành phẩm được bán 400 nghìn đồng/kg nhưng khách du lịch vẫn không ngại tìm mua về làm quà. “Sau khi trái rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng sẽ bị phân hủy còn hạt được bao bọc bởi lớp vỏ xơ và vỏ gỗ nên bảo quản được đến vài năm không hư hỏng. Để ăn được hạt Kơ nia, người ta kê hạt lên trên một tảng đá theo chiều mở của vỏ, đập nhẹ quả sẽ nứt làm đôi, hạt ăn sống rất thơm và bùi không khác gì hạt điều đã qua chế biến”, bà H’Luôm Hra, 60 tuổi ở buôn Trí A hướng dẫn cách tách hạt Kơ nia.
Cây Kơ nia gắn bó mật thiết với người Tây Nguyên, là “cây che bóng mát, hạt nuôi đồng bào”. Dù không có một yếu tố nghi lễ, tín ngưỡng gì liên quan đến cây Kơ nia, nhưng xung quanh cây Kơ nia lại có nhiều câu chuyện truyền miệng thần kỳ. Già Ma Thông A ở buôn Trí A nói: “Có lẽ do dáng hình vạm vỡ, “cây cao bóng cả” của nó mà bà con dân tộc Tây Nguyên xem cây Kơ nia là nơi các thần linh trú ngụ và còn ban cho họ hạt Kơ nia - món ăn được dự trữ đến vài năm để bà con không bao giờ đói”.
Điều này cũng đã được cố họa sĩ Xu Man (Gia Lai) khẳng định: “Cây Kơ nia không mọc lung tung bao giờ, không lẫn trong các loại cây khác. Nó mọc rất đều ở các khoảng đất trống, ở giữa đồng... để cho người đi bộ hay làm rẫy mệt quá, nóng quá thì có một cây cho ta ngồi ở gốc nghỉ ngơi. Nếu đi tiếp, bao giờ thấy mệt, thì lại sẽ có một cây Kơ nia nữa hiện ra cho bóng mát ta ngồi. Nơi ấy như có các thần linh trú ngụ và che chở”... (Trích từ tập sáng tác “Bốn cây Kơ nia”, của bốn nữ văn nghệ sĩ H’Linh Niê, Trần Hồng Lâm, Niê Thanh Mai, Siu H’Kết). Bởi vậy nên mỗi lần đến ngồi dưới bóng cây Kơ nia, amí Hang, ở buôn Bàng đều thầm cảm ơn các Giàng đã tạo ra cây Kơ nia vừa cho bóng mát vừa cho thực phẩm.
Cây Kơ nia có tên khoa học là Invingia Malayana thuộc chi Irvigia có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á, là loại cây thường xanh, cao từ 15 - 30m. Hoa màu trắng, có từ 4 - 5 cánh, mọc thành chùm ở kẽ lá và trổ hoa từ tháng 5 - 6, đơm quả vào tháng 11. Quả Kơ nia dài từ 3 - 4 cm, khi chín có màu vàng nhạt.
0 nhận xét: