Những năm gần đây, một số hộ nông dân ở thôn Dhung Knung, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã chủ động lựa chọn cây quýt đường để chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Người đầu tiên mạnh dạn đem giống cây quýt đường về trồng trên vùng đất này là ông Lưu Viết Thơ. Đầu năm 2014, ông được em trai ở huyện Ea Kar giới thiệu về giống cây quýt đường. Sau khi tham quan mô hình, ông Thơ đã cải tạo lại 1 ha đất đồi của gia đình rồi lặn lội xuống Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) mua quýt đường giống về trồng. “Sau hai năm trồng thử nghiệm, tôi nhận thấy cây quýt đường phù hợp với vùng đất nơi đây. Mỗi năm cây cho trái 2 vụ, thu vào tháng 9 và dịp Tết. Quýt trái to ngọt không thua kém gì trái ở miền Tây. Nhờ có cây quýt này mà gia đình tôi đã thoát nghèo”, ông Thơ phấn khởi nói.
Với tổng hơn 1.100 gốc quýt đường, mỗi năm gia đình ông thu được hơn 18 tấn quả. Với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Thơ thu lãi 350 triệu đồng.
Là hộ nông dân được ông Thơ chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cây quýt đường, năm 2015, anh Ngân Văn Dũng đã mạnh dạn trồng 400 cây quýt đường trên điện tích 5 sào đất. Sau 2 năm, cây đã bắt đầu cho thu hoạch. Chỉ tính riêng năm 2017, với 400 gốc quýt đường, anh Dũng đã thu về hơn 5 tấn quả, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 50 triệu đồng. Anh Dũng chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi trồng cà phê, tốn công chăm sóc nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết, giá cả bấp bênh. Nay chuyển sang trồng quýt dễ chăm sóc mà mang lại hiệu quả cao”.
Được biết, từ 1 hộ dân trồng quýt ban đầu, đến nay trên địa bàn thôn Dhung Knung đã có trên 50 hộ chuyển đổi sang trồng cây quýt đường. Theo ông Hồ Đức Hoàng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, cây quýt đường là cây trồng khá mới với bà con nông dân.
Để loại cây trồng này phát triển bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông sẽ mở lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng trọt. Tuy nhiên, bà con nông dân không nên phát triển ồ ạt loại cây này khi đầu ra chưa ổn định, đặc biệt là ở những vùng đất không thích hợp, tránh tình trạng “trồng rồi lại chặt”.
0 nhận xét: