“Tôi rất thích ăn xoài cát chu của Việt Nam. Có lúc tôi mua được trái rất ngọt nhưng lúc lại mua phải trái chua”, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc AEON Top Value, nói.
Tại Tọa đàm Bán hàng vào thị trường Nhật Bản vừa tổ chức tại TP HCM, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc AEON Top Value, đã bày cách để có thể giúp trái xoài Việt Nam đắt khách tại xứ sở hoa anh đào. "Xoài Việt Nam độ ngọt chưa đồng đều và giá cao hơn của Thái, Philippines"
Trong phần chia sẻ của mình, ông Yuichiro, cho biết ông "nghiền" xoài cát chu của Việt Nam. Nhìn vào kệ xoài của hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật Bản, ông thấy, giá loại trái cây này của Việt Nam cao ngang với Mexico nhưng đắt hơn của Thái Lan và Philippines mặc dù tương đương về độ ngọt. Xoài Pakistan cũng đã sang được thị trường Nhật Bản năm 2014 và có giá rẻ hơn của Việt Nam.
Về độ ngọt, xoài Pakistan khoảng từ 18 đến 20 độ. Xoài Nhật khoảng 15 đến 24 độ trong khi của Thái và Philippines khoảng từ 15 đến 18 độ. Xoài Việt Nam trung bình khoảng 15 độ nhưng độ dao động rất lớn, từ 10 đến 20 độ.
Câu chuyện cụ thể mà doanh nhân đến từ Nhật Bản gặp phải là thỉnh thoảng ông mua được trái xoài rất ngọt và ưng ý. Tuy nhiên, không ít lần mua phải trái chua và có cảm giác không thoải mái. “Xoài Việt Nam đang gặp phải sự mất đồng đều về độ ngọt”, ông Yuichiro nói.
Giải bài toán xoài quả ngọt, quả chua theo cách của nông dân Nhật Bản
“Tôi đem câu chuyện trái xoài của Việt Nam nói với nông dân Nhật Bản. Họ nói, thực ra xoài Việt Nam hoàn toàn có thể khống chế được độ đường từ 20 đến 22 độ”, Tổng Giám đốc Aeon Top Value nói. Những nông dân Nhật Bản mà ông gặp mách ông rằng, việc khống chế đó có thể thực hiện qua việc xác định thời gian thu hoạch hợp lý, việc bảo quản, cách xuất hàng…
“Nếu khống chế được độ ngọt, ổn định về điều này, thì khách sẽ chọn sản phẩm của Việt Nam. Tôi có ý tưởng và hy vọng, ít nhất có thể xuất khẩu 100 tấn xoài Việt Nam qua hệ thống Aeon của Nhật Bản”, Tổng Giám đốc Aeon Top Value Việt Nam nói.
Một điều nữa, liên quan đến giá xoài, ông Yuichiro cho rằng, giá xoài của Việt Nam sang Nhật cao hơn so với Thái, Philippines vì chi phí logistics đang cao. Và ông hy vọng, các bên liên quan có thể hỗ trợ để giảm giá logistics, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Nếu đưa được hàng qua Aeon Việt Nam, nghĩa là hàng hóa của Việt Nam có thể đến được với thế giới. Trước tiên là cơ hội được tới thị trường các quốc gia Đông Nam Á.
"Tôi muốn nói, nếu quý vị muốn xuất khẩu vào Nhật Bản, thì phải tìm hiểu thật kỹ thị trường, họ thích gì. Quý vị nhất định phải đến Nhật để xem mặt hàng tương tự, giá như thế nào, chất lượng ra sao để đánh giá về thị trường và sản phẩm", ông Yuichiro nói.
0 nhận xét: