Nối tiếp niềm vui được mùa mận Tam hoa, bước vào vụ thu hoạch mận địa phương năm 2018, người dân trồng mận khu vực thượng huyện Bắc Hà phấn khởi khi mận địa phương, chủ yếu là mận Tả van đã được mùa, năng suất cao gấp 3-4 lần so với năm 2017. Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn khi câu chuyện “được mùa, mất giá” lại xảy ra.
Mận Tả van năm nay được mùa, năng suất cao gấp 3-4 lần so với năm 2017.
Bắc Hà không chỉ nổi tiếng với cây mận Tam hoa ở khu vực trung tâm huyện, mà còn có nhiều loại mận khác có mẫu mã quả to, chất lượng thơm ngon đã trở nên nổi tiếng như: mận hậu, Tả Van, Tả Hoàng Ly, trái thơm và mận tím được trồng nhiều ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông khu vực thượng huyện. Và chính những cây mận ấy đã và đang dần trở thành cây mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp thay đổi cuộc sống cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, năm nay khi bước vào mùa thu hoạch mận đã có những biến động lớn về giá cả thu mua.
Khu vườn mận rộng 0,3ha của gia đình anh Giàng Seo Hồng, thôn Xà Ván, Sừ Mần Khang, xã Tả Van Chư mấy hôm nay trở nên im ắng hơn mọi ngày. Chỉ cách đây vài hôm, khu vườn này vẫn còn ồn ào, náo nhiệt bởi công việc thu hái mận để mang đi bán. Nhưng hiện gia đình anh quyết định không hái mận hậu nữa, nguyên nhân là do giá bán mận giảm xuống chỉ còn có 10 – 12 nghìn đồng/1kg, thấp hơn gần 10.000 đồng so với những ngày đầu vụ. Được biết khu vườn của gia đình anh Hồng mỗi năm cũng cho thu hoạch gần 20 triệu đồng. Những vụ mận trước, giá cả luôn ổn định, nhưng năm nay lại đột ngột xuống giá. Nguyên nhân có thể do người dân bị các cơ sở thu mua ép giá.
Mận Tả Van là một loại trái cây đặc sản của xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà.
Những năm gần đây, việc phát triển cây mận trên địa bàn xã Tả Van Chư rất mạnh, hơn nữa thu nhập từ cây mận hậu, Tả Van và Tả Hoàng Ly lại hiệu quả hơn do chi phí thấp, không vất vả chăm sóc như trồng ngô, trồng lúa. Nhưng giá cả và đầu ra là điều khiến người dân lo lắng nhất. Bởi tất cả mận trong vùng đều do tư thương thu mua, nên họ có thể nâng lên, hoặc hạ xuống bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, trên địa bàn trong và ngoài huyện mới chỉ tiêu thụ mận tươi, chứ các sản phẩm chế biến từ mận chưa có. Một nguyên nhân quan trọng khác đó là việc xây dựng thương hiệu và chuỗi tiêu thụ cho cây mận địa phương chưa được quan tâm. Trước thực trạng đó, người dân ở xã Tả Van Chư rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp tìm đầu ra để ổn định giá cả, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho cây mận địa phương. Đồng thời, liên kết giữa các địa phương có trồng mận để hỗ trợ tốt cho nông dân trong phát triển sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân trồng mận tại địa phương.
Những vụ mận trước, giá cả luôn ổn định, nhưng năm nay lại đột ngột xuống giá.
Còn tại các điểm thu mua mận trên địa bàn huyện thì không khí mua bán cũng không còn tập nập như những ngày trước. Tại đây, những hộ gia đình đã hái mận mang xuống chợ bán cũng phải tranh thủ bán hết dù phải chấp nhận giá thấp.
Hiện toàn huyện Bắc Hà có trên 120 ha cây mận địa phương, chủ yếu là mận Tả van và mận hậu, Tả Hoàng Ly… tập trung chủ yếu ở các xã Tả Văn Chư, Lùng Cải, Lùng Phình, Lầu Thí Ngài. Đến thời điểm này đã là cuối vụ thu hoạch mận địa phương, tuy nhiên, trước biến động của giá mận trong những ngày qua thì những người trồng mận địa phương lại phải đối mặt với nỗi lo lắng "được mùa mất giá".
0 nhận xét: