Đến xóm Lũng Tao, xã Dân Chủ (Hòa An), điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là hình ảnh những người nông dân đang bận rộn với công việc thu hoạch trám đen. Bà con ai cũng náo nức phấn khởi vì một vụ trám được mùa, được giá.
Tới thăm gia đình chị Lương Thị Đời, là hộ trồng nhiều cây trám đen nhất xóm Lũng Tao, chị Đời chia sẻ: Những cây trám to của gia đình có tuổi đời hơn 20 năm do bố mẹ để lại. Trước đó, trám đen không được giá nên gia đình tôi đã chặt bỏ một số cây. Mấy năm trở lại đây, được giá nên tôi tập trung chăm sóc và trồng thêm cây con. Hiện nay, gia đình trồng hơn 2.000 m2 trám, trong đó 13 cây đã cho thu hoạch; mỗi vụ trám gia đình thu nhập trên 20 triệu đồng.
Xóm Lũng Tao có 56 hộ, hộ nào cũng trồng trám đen; hộ ít thì có 1 - 2 cây, nhiều hơn 10 cây. Theo người dân địa phương, cây trám phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xóm nên chất lượng quả tốt hơn những địa phương khác. Trám thường ra hoa vào tháng 2 và cho thu hoạch từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 kéo dài đến tháng 9 âm lịch hằng năm.
Nhìn những quả trám đều căng mọng, mỡ màng rất bắt mắt, trám vừa hái xuống đã có người đến thu mua, gia đình nào mang ra chợ bán cũng rất đắt hàng. Trám khi om lên có màu tím ngắt, vị bùi, ngậy, đậm đà, không có vị chát và bị xơ cứng. Nhiều cây trám cho năng suất cao, chất lượng quả tốt đã đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Cây trám nào sai quả có thể cho thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng, cây ít cũng từ 1 - 2 triệu đồng.
Ông Ngọc Nguyễn Eng, trưởng xóm Lũng Tao cho biết: Những năm gần đây, nhiều nơi xảy ra tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, người dân quay sang tìm mua những thực phẩm sạch, dân dã để chế biến làm thức ăn dài ngày nên quả trám đen được nhiều người ưa chuộng. Quả trám đen dễ chế biến, có thể xào, kho với thịt lợn, làm xôi trám...
Cây trám đạt giá trị kinh tế cao nên bà con rất phấn khởi, một số hộ gia đình đã mở rộng diện tích trồng cây. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với phát triển cây trám đen là không có giống chất lượng cao, cây trám đen trên địa bàn chủ yếu mọc tự nhiên hoặc do người dân trồng bằng hạt. Cây trồng không được chọn lọc, đầu tư chăm sóc nên năng suất không ổn định, có năm được, năm mất mùa, chất lượng quả không đều. Hơn nữa cây trồng bằng hạt nên gần chục năm mới bói quả, cây có bộ khung tán cao gây khó khăn cho việc thu hoạch, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Xóm Lũng Tao mong các ngành chức năng, các nhà khoa học nghiên cứu đưa tiến bộ khoa học và công nghệ để bảo tồn, phát huy nguồn giống trám đen đặc sản ở Lũng Tao để tạo ra các cây giống chất lượng cao, rút ngắn thời gian ra quả. Đồng thời, đưa ra quy trình trồng thâm canh cây trám đen thương phẩm phù hợp với điều kiện ở địa phương; lựa chọn, bảo tồn giống trám đen địa phương, hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa.
0 nhận xét: