Do khí hậu, đất đai ở Hồng Thái (Na Hang) hợp với cây lê nên cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng loại quả này. Đến nay, toàn xã có trên 30 ha lê cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân.
Theo ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã, cây lê được đưa vào trồng tại xã từ năm 2001 với diện tích trên 25 ha tập trung ở các thôn Khau Tràng, Nà Kiếm, Nà Mụ. Sau hơn 10 năm đưa vào trồng, cây lê hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết và đất đai ở địa phương. Với diện tích lê hiện nay mỗi năm có thể cho thu hoạch gần 70 tấn quả, sản lượng sẽ tăng trong những năm tiếp theo vì hiện nay bà con đang đầu tư mở rộng diện tích và đã có nhiều hộ có thu nhập khá từ trồng lê.
Anh Bàn Văn Liều, thôn Khau Tràng cho biết, năm 2005, anh mạnh dạn đưa vào trồng 150 cây lê trên diện tích vườn của gia đình, đến nay vườn lê của anh đã cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn quả/năm, thu trên 30 triệu đồng. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng lê, anh Liều cho biết, nhờ nắm được thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh lúc giao mùa cũng như áp dụng kỹ thuật để điều chỉnh các lứa quả trên cây sao cho phù hợp nên quả lê của gia đình anh luôn bảo đảm chất lượng và sản lượng. Giá bán năm nay duy trì ổn định từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg.
Phấn khởi với mùa lê bội thu, ông Bàn Quý Tỉnh ở thôn Khau Tràng bày tỏ, năm nay thời tiết khá thuận lợi cho cây lê phát triển kết hợp với việc chăm sóc tốt, vườn lê của gia đình ông cây nào cũng sai quả. Nếu những năm trước sản phẩm lê của gia đình chỉ bán ở các chợ phiên Yên Hoa, Đà Vị thì năm nay thị trường tiêu thụ sản phẩm lê đã mở rộng sang các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và thành phố Tuyên Quang. Vào thời điểm này gia đình ông thu hoạch khoảng 5 tấn quả, thu trên 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay nhiều người dân ở một số thôn mới chỉ trồng lê theo phong trào mà chưa quan tâm tìm hiểu đến quy trình chăm sóc của cây nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mẫu mã quả, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Mặt khác về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch cũng còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Na Hang làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong các khâu chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm lê thông qua các kênh thông tin đại chúng, tiến hành xây dựng thương hiệu lê Hồng Thái để sản phẩm lê của địa phương ngày càng được nhiều người biết đến, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
0 nhận xét: