Ngõa mật (vả rừng) hay còn gọi với cái tên mỹ miều là "sung khổng lồ" thường chỉ xuất hiện nhiều trong các cánh rừng trung du, vùng núi phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn...
Có tên khoa học là Ficus auriculata Lour.(F. roxburghii Wall.),thuộc họ Dâu tằm-Moraceae. Người phương Tây gọi cây ngõa mật là sung tai voi (elephant ear fig) hoặc sung lá rộng (broad-leaf fig). Là cây thân gỗ, cao từ 5-10m có nhiều cành, có lông cứng và thưa.
Ngõa mật mọc thành chùm ở những cành già, ở gốc hoặc trên những cành riêng không có lá. Khi còn nhỏ và xanh, trái nhìn không khác mấy so với trái sung cả về màu sắc và hình dáng. Nhưng khi gần chín, ngõa mật trông khác nhiều, trái to hơn trái sung- to gần bằng nắm tay thanh niên, màu chuyển từ xanh non sang vàng rám rồi khi chín sẽ đỏ tím lại.
Càng to, bên trong trái ngõa mật càng chia thành nhiều lớp màu. Lớp ngoài có màu trắng, lúc bửa ra lấy rịn nhiều nhựa trắng như sữa. Lớp tiếp theo có màu đỏ tươi. Lớp trong cùng có màu vàng với nhiều sợi tua, trông rất giống bông hoa.
Trái ngõa khi chín ăn ngọt dịu. Lúc này, sắc mầu rực rỡ trong quả ngõa mật đã biến mất nhường chỗ cho dòng mật sánh, màu vàng nâu. Cắn thử một miếng nghe vị ngọt nhẹ của thịt quả lan dần nơi đầu lưỡi, tiếp theo là vị ngọt mát của lớp mật trong quả. Vị ngọt khó quên, không lẫn vào đâu được.Có người ví dịch ngọt trong quả ngõa mật tựa như thạch mía, ăn vào thật mát.
Ngõa mật bình thường ăn là lành, tuy nhiên đói quá hay ăn nhiều trái ngõa mật quá cũng có thể say. Lúc đầu là cảm giác choáng đầu, hoa mắt hoặc buồn nôn…
Bây giờ khi những cánh rừng thưa dần cây ngõa mật, nhiều người dân đã đem về trồng ở ven đường lấy bóng mát. Ngoài ăn trái, lá của cây ngõa mật được nhiều nơi ở miền Bắc sử dụng để làm bánh trứng kiến.
Trong phong thủy, cây Ngõa cùng họ với sung được trồng trước cửa nhà thể hiện sự sung túc đón tài lộc. Vừa tạo bóng mát vừa thanh lọc không khí.
Trong phong thủy, cây Ngõa cùng họ với sung được trồng trước cửa nhà thể hiện sự sung túc đón tài lộc. Vừa tạo bóng mát vừa thanh lọc không khí.
0 nhận xét: