Trái Táo mèo (dân tộc H’Mông gọi là Tu di, tức táo mèo) hay còn gọi là trái sơn tra, trái chua chát...
Táo mèo mọc tự nhiên và trồng ở các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La… trên các dãy núi cao 1.500 – 2.000m. nhưng ít ai biết ở vùng núi Kon Tum - Tây Nguyên cũng có táo mèo.
Táo mèo Kon Tum mọc hoang rất nhiều, hầu như làng nào cũng có. Thoạt đầu, không ai biết đến loại trái cây rừng này, thấy chim chóc ăn, người dân cũng ăn thử. Thấy chua chua, ngọt ngọt, chát chát nhưng không gây chết người nên họ cứ thế ăn. Mãi sau này, có người vào làng, tìm mua loại quả này, người dân mới biết đến công dụng của trái dại này.
Mùa táo mèo ra hoa thường là tháng 3, đến chừng đầu thu tháng 8 thì chín. Ở Kon Tum thì hai huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông là vùng đất có nhiều táo mèo nhất, đến mùa những cây táo mèo chín vàng, thơm ngào ngạt. Đến đây, vào mùa táo mèo chín, kiếm thêm một chén muối ớt để chấm thì không gì tuyệt bằng, vị ngọt tự nhiên xen lẫn vị chan chát đặc trưng sẽ khiến nhiều thực khách muốn ăn mãi.
Táo mèo phân bố ở huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông thường là loại quả to, chín màu hồng đậm phớt vàng, có mùi thơm ngọt ngào và vị hơi ngọt, còn táo ở Đăk Glei thường quả nhỏ, chín màu vàng, chỉ hơi ngọt còn vị chát đậm hơn, thích hợp để ngâm rượu. Để thưởng thức trái táo mèo tươi người ta thường lựa chọn quả có sâu, chín cây, còn nguyên vị tươi ngọt, thơm lừng.
Để ngâm rượu, người dân thường chọn những quả táo mèo chín cây, còn thơm lừng, tươi nguyên. Trong khoảng một tháng sẽ cho ra rượu táo mèo nước sóng sánh vàng, tỏa mùi hương nồng nàn, vị chua ngọt đậm đà. Rượu táo mèo cũng vì thế mà trở nên dễ uống, dễ ghiền và có nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe như giúp hạ huyết áp, giảm mỡ máu, an thần, cân bằng sinh lý,…
Đến với phố núi Kon Tum, không chỉ thưởng thức ẩm thực đặc sắc của người dân tộc thiểu số với rau dớn, măng rừng, rượu sâm, thịt dế,…đừng quên mang về những trái táo mèo (hay trái sơn tra)– món quà của rừng được thấm đẫm vị rừng vùng cao với vị chua ngọt, chát đắng đặc trưng.
0 nhận xét: