Xuất thân từ một nông dân nghèo, ban đầu ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1957, ngụ ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) chỉ có 1 ha trồng nhãn long và nhãn xuồng.
Năm 1992, loại nhãn này liên tiếp rớt giá nên ông tìm giống cây mới trồng thay thế. Được bạn bè giới thiệu, ông mua 11 cây nhãn Ido của Thái Lan, 10 cây nhãn Thạch Kiệt của Trung Quốc và 7 cây nhãn của Mỹ về trồng và nghiên cứu. Vài năm sau, thấy cây nhãn Ido thích nghi tốt với đất, cho trái sai nên ông Phúc nghiên cứu ghép loại nhãn này với nhãn long.
Sau một thời gian ngắn, nhãn ghép đã cho trái nhưng tỷ lệ đậu thấp, năm tiếp theo thì không trái. Với niềm đam mê và ý chí làm giàu, ông Phúc lại tìm sách báo nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè để tìm cách khắc phục rồi mở rộng diện tích vườn ra 4 ha, trồng 700 gốc nhãn.
Khi vườn nhãn Ido cho trái nhiều, thu hoạch rộ theo mùa thì giá bán lại không cao. Mặc dù nhờ lợi thế trái to hơn nhãn cùng loại của Thái Lan nên nhãn Ido của ông Phúc vẫn bán khá chạy. Để nhãn Chánh An (tên gọi giống nhãn Ido sau khi ghép nhãn long) mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục nghiên cứu xử lý cho trái nghịch mùa với nhãn Ido Thái Lan, chôm chôm Long Khánh, vải thiều...
Nếu như nhãn Ido Thái Lan chín rộ từ cuối tháng 7 đến tháng 9 (Âm lịch), thì nhãn Chánh An cho trái từ rằm tháng Giêng cho đến tháng 3. Vì vậy, nhãn Chánh An rất được thị trường ưa chuộng. Đến kỳ thu hoạch, thương lái tìm đến tận vườn để thu mua.
Giữa nắng hạn, nhiễm mặn hoành hành, vườn nhãn Ido ghép của ông Phúc vẫn xanh tốt, không bị dịch bệnh ( kể cả bệnh chổi rồng). Từ một nông dân nghèo, giờ đây ông thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm từ giống nhãn này.
0 nhận xét: