Mận Trung Lương không rõ được đem về từ đâu hay gốc xuất xứ tại Mỹ Tho, nhưng người Mỹ Tho nếu chuộng vọng cổ thì đều ít nhiều biết đến loại đặc sản nổi tiếng này qua bài vọng cổ “Quả mận Trung Lương” từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Tên mận là Hồng Đào, nhưng sao lại thường gọi là “mận Trung Lương”? Câu trả lời cũng giống như “Vú sữa Lò Rèn”, “xá lị Bắc Mỹ Thuận”… , tức là địa danh trồng và được tập trung bán loại trái cây ấy nhiều (mà phải ngon, nổi tiếng) mà thôi!
Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, mận Trung Lương được trồng đại trà trên khắp vùng đất của phường 5 và các xã vùng ven thành phố Mỹ Tho; trong đó nhiều nhất ở miệt vườn Đạo Thạnh, Trung An ở khoảng ngã ba Trung Lương. Dọc theo dải đất từ ngã ba bến đò Nhà thiếc (nay là vùng ngã ba quốc lộ 60 đường rẽ về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây) đến ngã ba Trung Lương, nơi người dân trồng nhiều loại mận này.
Mận Trung Lương chỉ có hai loại hồng đào sọc và hồng đào đá. Loại mận hồng đào sọc thì trái tròn, hơi mô lên ở phần cuống, có những sọc trắng hồng chạy dài từ cuống đến đít quả mận. Còn loại hồng đào đá thì có màu da hồng, cứng. Cả hai loại mận này ăn đều giòn, ngọt, ít trái có vị chua.
Dù trái mận ăn không chua, nhưng khi ăn với nước mắm đường có lẫn vài lát ớt hiểm thì ngon vô cùng. Trái mận đem tách đôi, bỏ hột, cho đầy nước mắm đường vào trong rồi ăn.
Tuy nhiên, do mận Trung Lương có hiệu quả kinh tế thấp nên các vùng nội thị, các khu vườn mận Trung Lương trong xã Đạo Thạnh năm nào cũng bị phá bỏ, thay vào đó là những vườn cây xoài, nhãn. Vì vậy, về Tiền Giang ngày nay không dễ dàng tìm được những trái mận Trung Lương một thời gắn với cái tên Mỹ Tho.
Dù ngày nay có nhiều giống mận được cấy ghép, pha giống để cho năng suất và chất lượng hoàn hảo nhất (như mận An Phước, Bến Tre chẳng hạn), nhưng cũng khó sánh bằng mận Trung Lương đã một thời vang bóng.
0 nhận xét: