Thời gian qua, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Bạch Thông đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân xã Cao Sơn. Trong đó, mô hình trồng cây mận hứa hẹn mở ra hướng phát triển kinh tế giúp người dân có thể thoát nghèo.
Cây mận phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại Cao Sơn nên phát triển tốt, hiện nay mận sớm đã bói quả. |
Cao Sơn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bạch Thông, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa đông thường bị bao phủ bởi sương giá, đất đai dưới chân núi đá khô cằn. Trước nay, bà con đã đưa nhiều loại cây trồng vào canh tác nhưng hiệu quả không cao. Cuối năm 2016, từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm, nghiệp của huyện, xã Cao Sơn được đầu tư triển khai mô hình trồng mận với diện tích 13ha, chủ yếu tập trung tại các thôn Thôm Phụ, Nà Cáy. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ cây giống và phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác.
Qua hơn 2 năm triển khai, hiện nay cây mận sớm tại Cao Sơn đã cho những tín hiệu đáng mừng. Đồng chí Đặng Thị Hằng- Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Bước đầu cho thấy, cây mận phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương nên phát triển tốt. Cây mận sớm đã bắt đầu bói quả, chất lượng quả đảm bảo.
Năm 2017, khi mô hình trồng mận được triển khai tại thôn, gia đình anh Đặng Hữu Nam (thôn Thôm Phụ) đăng ký nhận 100 cây mận sớm và 100 cây mận tam hoa về trồng tại rẫy của gia đình. Nhờ được chăm sóc tốt và hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên đến nay cây mận phát triển tốt, riêng mận sớm đã bói quả năm đầu. Anh Nam chia sẻ: Trước đây gia đình trồng cây ngô nhưng chăm sóc vất vả, hiệu quả kinh tế thấp. Nay chuyển sang trồng mận thấy chăm sóc dễ hơn, quả mận hiện đang được giá, do vậy gia đình có ý định mở rộng diện tích.
Cây mận dễ trồng, thích hợp với điều kiện khí hậu mát mẻ, thời gian cây sinh trưởng ngắn, cho nhiều quả, ăn giòn, chua ngọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mận sớm thường bắt đầu được thu hoạch, bán ra thị trường từ tháng 3 khi quả vẫn còn xanh, giòn và chín rộ vào tháng 4, trước mùa mận tam hoa. Theo tính toán, cây mận bắt đầu cho thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi, mỗi ha trồng mận, người nông dân có thể có nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay, mô hình trồng mận tại Cao Sơn đang cho kết quả bước đầu rất thuận lợi. Chất lượng quả mận sớm ngon không thua kém mận trồng ở các địa phương khác. Tuy nhiên, vẫn còn một số diện tích mận chưa được bà con chăm sóc đúng quy trình đã được hướng dẫn; một số diện tích bị gia súc phá hoại nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây...
Do đó, để phát triển bền vững loại cây trồng này, địa phương cần chú trọng tuyên truyền, vận động, khuyến khích và hướng dẫn người dân vận dụng tốt kỹ thuật chăm sóc; đặc biệt chú ý đến khâu tiêu thụ sản phẩm khi cây mận của địa phương cho sản lượng quả ổn định với số lượng lớn.
0 nhận xét: