Theo UBND huyện Hàm Yên, vụ cam 2018 - 2019, sản lượng cam ước đạt khoảng 100 nghìn tấn, trong đó riêng cam sành ước đạt 85 nghìn tấn, còn lại là các loại cam khác. Hiện tại, các nhà vườn mới thu hoạch được khoảng 60 nghìn tấn cam sành. Lượng cam sành cuối vụ chưa được thu hoạch còn lại khá lớn, giá xuống thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây khiến người trồng cam lo lắng.
Vườn cam 8 ha của ông Vũ Công Sáu, thôn Khuổi Lếch, xã Tân Thành (Hàm Yên) được sản xuất theo quy trình VietGAP. Cam đã chín đỏ nhưng ông mới thu hoạch được khoảng 30% sản lượng. Ông Sáu chia sẻ, những năm trước cam cuối vụ rất được giá, vụ cam năm 2017 - 2018 giá bán cam tại vườn từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, năm nay giảm còn 8.000 đồng, chỉ tăng 2.000 đồng so với giá cam chính vụ. Sản lượng còn nhiều cộng với giá cam rẻ, thương lái thu mua nhỏ giọt, cam chín không được thu hoạch kịp thời, rụng chật gốc khiến ông Sáu xót xa.
Cũng tại xã Tân Thành, vườn cam của ông Lộc Văn Hạnh, thôn 1 Thuốc Thượng cũng còn khá nhiều. Ông Hạnh cho biết, những năm trước ông bán cam xanh vào thị trường miền Nam nhưng năm nay thương lái thu mua ít, buộc gia đình phải để cam chín chờ bán cuối vụ. Tuy nhiên, giá cam cuối vụ rẻ, nhiều quả chín thối rụng nên thất thoát nhiều.
Theo ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cam sành cuối vụ đang còn tại các vườn khoảng 15 nghìn tấn, nhiều nhất trong những năm gần đây. Lý giải nguyên nhân sản lượng cam cuối vụ còn nhiều, giá xuống thấp, ông Hưng cho rằng, năm nay rất ít thương lái thu mua nên lượng tiêu thụ cam vào miền Nam chỉ bằng 30% so với những năm trước, trong khi đây là thị trường chính tiêu thụ cam sành của huyện.
Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều trang trại, nhà vườn lại có tâm lý găm cam để chờ cuối vụ bán khiến sản lượng cam đến thời điểm này còn khá lớn dẫn đến giá bị giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay. Cam cuối vụ chưa được thu hoạch kịp thời chất lượng sẽ bị giảm gây hại cây do đồng thời cây phải nuôi dưỡng lộc, hoa và quả nên cây bị già cỗi nhanh, sức đề kháng sâu, bệnh kém.
Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều trang trại, nhà vườn lại có tâm lý găm cam để chờ cuối vụ bán khiến sản lượng cam đến thời điểm này còn khá lớn dẫn đến giá bị giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay. Cam cuối vụ chưa được thu hoạch kịp thời chất lượng sẽ bị giảm gây hại cây do đồng thời cây phải nuôi dưỡng lộc, hoa và quả nên cây bị già cỗi nhanh, sức đề kháng sâu, bệnh kém.
Tìm giải pháp tiêu thụ cam cuối, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cam kết đồng hành với UBND huyện Hàm Yên, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cam về các chợ đầu mối, siêu thị tại các thành phố lớn. Ông Đoàn Xuân An, Giám đốc Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên khẳng định, công ty tiếp tục đàm phán với các siêu thị, chợ đầu mối để tiêu thụ hết số lượng cam tại các chi hội, nhà vườn trồng cam trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bên cạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ, UBND huyện, các địa phương cần kiềm chế phát triển nóng cây cam. Hiện nay, cây cam đang phát triển quá nóng không chỉ trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh mà trên cả nước khiến sản lượng cam quá lớn dẫn đến cung vượt cầu.
Để cây cam phát triển bền vững, giữ vững giá trị sản phẩm, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động bà con chặt tỉa cây cam bị già cỗi, sâu bệnh; bổ sung các loại giống cam mới có chất lượng cao vào trồng để rải vụ, đa dạng hóa sản phẩm cam; mở rộng diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, bảo đảm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cam Hàm Yên.
0 nhận xét: