Xuất phát từ thực tế ở địa phương nhiều người còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chị Vũ Thị Hồng Nhung ở thôn Đồi Mây, xã Đắk Wil (Cư Jút) đã trồng xoài theo hướng sạch để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người tiêu dùng.
Theo chị Nhung, hiện nay tại địa bàn có nhiều người dân trồng xoài, chỉ tính riêng ở thôn Đồi Mây ước tính có 10 ha nhưng rất ít hộ áp dụng khoa học kỹ thuật trồng xoài sạch. Chị Nhung cho biết: “Gia đình tôi hiện trồng 1 ha xoài giống Thái Lan, trong đó có 3 sào đã thu hoạch được 2 năm. Trồng xoài phải thường xuyên phun thuốc, trung bình mỗi tháng phun 1 lần để xua đuổi côn trùng và nuôi cây, quả. Chính vì người trồng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên thường bị thương lái thu mua xoài ép giá. Thấy bà con lối xóm nhiều người trồng xoài không bảo đảm an toàn, nên gia đình tôi đã quyết định áp dụng kỹ thuật để trồng xoài sạch”.
Chị Nhung đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng cách trồng xoài sạch, đó là sử dụng bọc nilong. Khi trái xoài có trọng lượng khoảng 300g thì bọc nilong để tránh bị côn trùng phá hại và không ảnh hưởng tiêu cực từ thuốc bảo vệ thực vật. Năm vừa rồi, gia đình đã thu được 2 tấn xoài sạch bán với giá từ 15.000- 17.000 đồng/kg. Theo chị Nhung, nếu năm đầu tiên gia đình thu bói và không áp dụng kỹ thuật bọc nilong thì xoài chỉ bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg nhưng năm vừa rồi bọc nilong thì bán với giá cao gấp đôi. Hiện nay, do nguồn cung xoài ngày càng nhiều nên giá có giảm nhưng nếu trái xoài được bọc nilong thì giá vẫn cao hơn thị trường từ 2.000- 7.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đồi Mây, chị Nhung luôn trăn trở và tích cực vận động các hộ dân trong thôn cùng trồng xoài sạch. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân đã chuyển những diện tích trồng cà phê, hồ tiêu không hiệu quả sang trồng xoài. Trồng xoài sang năm thứ 2 cho thu bói, năm thứ 3 bù được vốn đầu tư và từ năm thứ 4 đã có lời.
Từ hiệu quả của gia đình, chị Nhung đã vận động bà con cùng trồng xoài sạch, đồng thời hướng tới thành lập tổ hợp tác để cùng nhau sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho xoài. Hiện tại, việc trồng xoài sạch tính ra mỗi quả mất 1.000 đồng tiền bọc nilong. Ngoài ra, các chi phí như phân bón, cây giống, phương tiện sản xuất, nếu hộ nào tự mua thì phải chịu mức giá cao. Sản phẩm làm ra cũng sẽ bị ép giá hoặc đầu ra bấp bênh. Vì vậy, nếu các hộ dân tập hợp lại, tổ hợp tác có trách nhiệm hợp đồng với các doanh nghiệp bán vật tư nông nghiệp cũng như thu mua sản phẩm thì sẽ giảm được chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận.
Ý tưởng sản xuất xoài sạch của chị Nhung tham gia Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đánh giá cao vì sẽ khai thác được thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Chia sẻ về những dự định cho thời gian tới, chị Nhung cho biết: Tôi được tham dự tập huấn về Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh và thấy được nhiều điều thú vị, nhất là biết cách tổ chức sản xuất, sổ sách ghi chép và hạch toán rõ ràng. Bà con mong rằng, các cấp hội, các ngành quan tâm hỗ trợ, tư vấn về khoa học kỹ thuật, liên kết thị trường để có thể áp dụng vào sản xuất sạch nói chung và quả xoài nói riêng đạt hiệu quả cao.
0 nhận xét: