Mô hình trồng dừa xiêm xanh được anh Nguyễn Hữu An ở ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lựa chọn chuyển đổi bởi ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao. Với 400 gốc dừa đang cho trái, mỗi tháng, gia đình anh thu nhập gần 30 triệu đồng.
Hiệu quả từ mô hình trồng dừa xiêm trên đất cát ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Anh An kể, trước đây gia đình anh chuyên canh tác các loại cây ăn trái như nhãn, mãng cầu, xoài… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vốn là người dân gốc Bến Tre, mỗi lần về quê thấy người dân ở đây trồng dừa xiêm xanh cho thu nhập cao và ổn định. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật từ người anh trai sống tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, anh mua vài cây giống về trồng thử xem vùng đất nơi mỉnh ở có phù hợp với giống dừa này không. Sau một thời gian trồng, thấy giống cây dừa xiêm xanh phát triển tốt, trái nhiều quanh năm, không phải tốn công chăm sóc như những loại cây trồng khác, anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa xiêm xanh.
Năm 2014, anh quay trở lại Bến Tre, tìm đến những vườn dừa đã trên năm năm cho trái, chọn mua trái giống ở những cây sai trái về ương, sau đó chọn những cây con xanh tốt, cao khoảng 0,5m, mọc thẳng đem trồng. Sau hơn 4 năm trồng, hiện vườn dừa của anh cho thu hoạch trái đều đặn hàng tháng. Với 400 gốc dừa đang cho trái, mỗi tháng anh thu hoạch khoảng 4.000 trái. Với giá bán trung bình 7.000đồng/trái, mang lại thu nhập cho gia đình anh gần 30 triệu đồng.
Theo anh An, giống dừa xiêm xanh dễ trồng, khỏe hơn nhiều so với trồng các loài cây khác, ít tốn công chăm sóc, không kén đất, thích nghi nhanh. Đất trước khi đặt cây giống cần cày xới cho tơi xốp, đào hố, bón lót 5 kg phân chuồng ủ hoai, 100g phân NPK, kết hợp sử dụng thuốc Padan 90WP, hoặc Servin 85WP theo hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng. Mật độ cây cách cây 6m, liếp cách liếp 6m. Trong hai năm đầu, khi cây dừa còn nhỏ, tán dừa chưa phát triển rộng, phần đất trống anh trồng xen cây đậu phụng. Mỗi năm chỉ bón phân chuồng ủ hoai hai lần vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, hàng tháng bón mỗi gốc 0,5- 0,7kg phân NPK loại 16-16-16, vào mùa mưa bón thêm muối hạt từ 100g- 150g/gốc cây.
“Nhìn mo nang dừa thấy màu vàng thì bón thêm phân để dừa không bị “treo”. Để dừa không rụng trái non và ảnh hưởng năng suất của năm sau, mỗi tuần tưới nước một lần kết hợp chế phẩm sinh học tăng dinh dưỡng cho cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Chú ý quan sát sâu rầy, bọ cứng, đuông dừa để phun thuốc phòng trừ.” - Anh An chia sẻ.
Trồng dừa xiêm được xem là mô hình lý tưởng cho những vùng đất nhiễm mặn, vùng ven biển khó trồng cây ăn trái khác. |
Tuy không sánh bằng các loại cây ăn quả khác như sầu riêng măng cụt… nhưng dừa uống nước không “đụng hàng dội chợ”. Dừa xiêm xanh cho thu nhập đều đặn hàng tháng. “Dừa xiêm xanh từ lúc xuống giống đến khi dừa ra “lưỡi mèo” khoảng 24 tháng và khoảng 30 tháng là dừa cho thu hoạch trái. Dừa cho trái ổn định khi dừa bước sang tuổi thứ 5 và cho thu nhập đến hàng chục năm. Bình quân mỗi tháng cây dừa xiêm xanh cho thu hoạch một lần. Dừa trái không phải lo đầu ra, cứ đến kỳ thu hoạch là thương lái đến tại vườn thu mua”, anh An cho biết.
Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, anh đã trồng thêm hơn 100 gốc và vận động bà con trong ấp chuyển đổi cây trồng, phát triển cây dừa xiêm xanh. Hiện tại, ở ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ người dân đã trồng giống dừa xiêm xanh này trên diện tích khoảng 5 ha.
0 nhận xét: