Từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, những trái hường màu xanh treo lủng lẳng trên cây ở vườn nhà, bờ sông, bờ suối, trên rẫy chuyển sang sắc cam vàng đẹp mắt, người dân huyện vùng cao Trà Bồng và Tây Trà lại vào mùa thu hoạch quả hường.
Ở vùng sơn cước, “lộc trời” quanh năm, mùa nào thức ấy. Đó là những rau, củ, quả từ thiên nhiên đủ làm ấm lòng những người năng tìm kiếm. Tháng 8 âm lịch là thời điểm chính vụ thu hoạch quả hường của đồng bào vùng cao ở huyện Trà Bồng là Tây Trà.
Hai bên đường dọc các tuyến đường chính dẫn về các xã, người dân bày bán la liệt quả hường. Đây cũng là loại quả rừng mang lại thu nhập cao cho người dân vùng cao khi sắc trời vào thu.
Hường là một loại trái giống cam. Trái hường lúc còn sống có màu xanh, đến khi chín chuyển sang màu vàng ươm. Nó có vị chua khi già và vừa ngọt thanh lúc chín.
Cây ra quả từ cuối tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, đến tháng 8 chín rộ. Vào mùa thu hoạch hường, sau buổi đến lớp, lũ trẻ tất bật giúp bố mẹ vào rừng trèo cây hái quả. Nó cũng là món quà vặt yêu thích của các em vào đầu năm học mới.
Hường sau khi thu hoạch có thể để dài ngày vẫn không bị hư hỏng nhờ đặc điểm ít nước. Tuy múi nhỏ, không ngọt lịm, không nhiều nước như một số giống cam trồng dưới xuôi, nhưng bù lại, trái hường có mùi vị đặc biệt, thơm, ngọt thanh.
Trái hường chín hái trên cây xuống, người ta dùng bàn tay vo nhẹ trái cho mềm rồi bóc lớp vỏ ra và thưởng thức. Trái chín có thể vắt nước vào ly khuấy chung với đường như chanh, dùng lạnh như một món giải khát.
Theo bà Hồ Thị Lan, ở thôn Trà Huynh, xã Trà Nham, huyện Tây Trà, không biết loại cây này bén rễ với núi rừng từ bao giờ. Lúc nhỏ bà theo ông bà, bố mẹ đi rẫy đã thấy chúng mọc khắp núi rừng. Do bà con phát nương rẫy trồng keo, mì nên diện tích cây hường bị thu hẹp dần.
Loại cây này mọc tự nhiên đến khi quả chín thì người dân vào rừng hái mang đi bán. Mùa hường chín rộ cho bà con mức thu nhập khá hấp dẫn so với tiền công đi làm thuê. Bán tại nhà cho thương lái chỉ bằng một nửa so với giá bán lẻ. Vì thế, nhiều người thường mang quả hường thu hoạch được ra các trục đường chính bán cho khách đi đường mua về xuôi.
Chị Hồ Thị Tương, ở thôn Gỗ, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà cho biết, mỗi ngày làm siêng đi hái cũng được 100 - 150 quả. Gặp nơi hường mọc nhiều, thì số lượng thu hoạch được trên 200 quả/ngày. Với giá bán hiện nay từ 15.000 - 25.000 đồng/chục (10 trái), tùy theo bán sỉ hoặc lẻ, trái hường mang lại một khoản thu nhập hấp dẫn cho bà con so với tiền công đi làm thuê.
Vài năm trở lại đây, sản vật rừng ngày càng được ưa chuộng nên nhiều người vào rừng đào cây con mang trồng trong vườn nhà, nhưng cũng giao phó cho trời, không chăm sóc, không sử dụng bất kì loại phân bón nào nên trái hường được nhiều người ưa chuộng.
Vào những ngày này, bất cứ ai có dịp đi ngang qua huyện Trà Bồng, Tây Trà đều không cưỡng lại được sức hấp dẫn, ghé vào các điểm bán trái hường ở ven đường, mua vài chục trái mang về dùng cho gia đình và làm quà cho người thân.
0 nhận xét: