Dọc các cung đường thuộc các huyện Krông Pắc, Cư Kuin, Ea Kar… những ngày này nườm nượp xe tô vận chuyển sầu riêng. Năm nay sầu riêng được mùa, được giá khiến người trồng rất phấn khởi.
Sầu riêng được gom lại, chất vào xe rùa để vận chuyển ra bãi tập kết.
Đến nơi được xem là “thủ phủ” sầu riêng của Đắc Lắc, trong những ngày này mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng do nhu cầu sầu riêng xuất khẩu tăng cao nên thương lái từ các nơi đổ về thu mua sầu riêng tại xã Ea Yông, thị trấn Phước An, xã Ea Knuếc hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.
Cả nông dân và thương lái đều vui mừng vì sầu riêng được giá nên việc mua, bán đều khá thuận lợi. Nhiều thương lái còn đến tận vườn thu mua sầu riêng với số lượng lớn để xuất khẩu đi nước ngoài nên nông dân không phải tốn thêm kinh phí vận chuyển. Vì vậy, vụ mùa này nông dân ở đây trúng đậm do sầu riêng vừa được mùa, vừa được giá và đầu ra thuận lợi.
Được biết, sầu riêng giống Dona được thu mua với giá từ 55-70 nghìn đồng/kg tùy loại. Trước đây, người trồng phải tự thu hoạch rồi chở ra vựa thu mua để bán, nhiều khi hái trúng quả nhỏ, quả non, mã xấu… nên dễ bị thương lái ép giá. Vài năm trở trở lại đây sầu riêng tăng giá, chưa đến vụ thu hoạch, thương lái đã đến tận vườn làm hợp đồng thu mua với giá từ 50 nghìn đồng/kg. Đến ngày thu, họ cho người vào tận vườn hái, chủ vườn chỉ việc theo dõi cân hàng rồi nhận tiền.
Năm nay sầu riêng được mùa, được giá khiến người trồng rất phấn khởi.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Đến thời điểm hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện trồng được gần 1.000 ha sầu riêng, chủ yếu là trồng xen trong vườn cà-phê. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cuối năm 2016, đầu năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra mưa trái mùa kéo dài khiến độ ẩm tăng cao, nấm phytophthora phát sinh gây hại trên 250 ha sầu riêng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp tỉnh, Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên và các đơn vị liên quan đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc và phòng, trị bệnh cho cây kịp thời nên sầu riêng của người dân trên địa bàn huyện vẫn cho năng suất cao. Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch hiện nay, giá sầu riêng tăng cao đạt mức 47 nghìn đến 48 nghìn đồng/kg, khiến người nông dân hết sức phấn khởi. Với mức giá này, nhiều hộ trồng sầu riêng trên địa bàn thu về cả tỷ đồng, thậm chí có hộ thu vài tỷ đồng.
Cây sầu riêng được nông dân ở Đắc Lắc đưa vào trồng từ năm 2004 và chủ yếu trồng xen trong vườn cà-phê. Hiện nay, cây sầu riêng ở Đắc Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung được đánh giá là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích loại cây này tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng gần 3.000 ha sầu riêng, tăng gần 300 ha so với năm 2016. Cây sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện: Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Búc, thị xã Buôn Hồ và TP Buôn Ma Thuột.
Thương lái cho xe tải đến tận vườn để bốc hàng.
Quả sầu riêng ở Đắc Lắc vừa to, cơm vừa thơm lại ngọt nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Vì vậy, mặc dù chỉ là loại cây trồng xen trong vườn cà-phê nhưng những năm gần đây, sầu riêng đã trở thành nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ nông dân. Nhờ cây sầu riêng mà nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ phương tiện sinh hoạt trong gia đình và nuôi con cái học hành chu đáo.
0 nhận xét: