…Nhớ chuyện xưa trèo cây xoài, cây mận hay cây vú sữa ở góc vườn nhà là bị mấy con kiến vàng cắn. Ghét lắm, cứ châm lửa rồi đốt luôn cả ổ. Ấy vậy mà, sau bao lần cứ tưởng con kiến vàng ngày xưa đã bị lãng quên nhưng giờ đây, con kiến vàng lại được nông dân săn lùng đem về tận vườn, săn sóc- như chính cây trái trong vườn…
Tôi cũng chưa hiểu lắm về tác dụng của con kiến vàng cho đến khi gặp mấy người bạn, đang rất “ghiền” nông nghiệp hữu cơ.
Chuyện con kiến vàng tưởng đi vào quá khứ giờ lại khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi không còn “thấy ghét” kiến vàng nữa, bởi giờ nó đã là một loài vật có ích, được chăm sóc, có khi phải săn lùng, hỏi mua với giá cao mới có một cái ổ kiến vàng đem về vườn nhà.
Chuyện từ người bạn đang tham gia quy trình sản xuất ở một hợp tác xã (HTX) chuyên canh chôm chôm. Tới HTX là thấy hàng chục, hàng trăm công chôm chôm cho trái nghịch vụ chín đều, giá cao với mọi chứng chỉ, giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ở thị trường trong và ngoài nước.
Đây là những vườn chôm chôm ứng dụng khoa học kỹ thuật, cân đối phân hữu cơ, vô cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật,… Bởi thế, trái đều và đồng loạt, đúng mùa nghịch nên gặp thị trường tốt thì giá cứ thế mà tăng…Câu chuyện về cây chôm chôm cho trái với đủ giấy chứng nhận quản lý đối với nông dân tưởng chừng là đủ, nhưng có lẽ, người bạn tôi hơi đặc biệt khi chừa hẳn 4 công chôm chôm cho trái tự nhiên.
Bởi, bạn tôi học kiểu làm vườn quay lại với cách truyền thống xưa, chăm cây, tỉa cành, xiết nước và cho trái ra tự nhiên. Đặc biệt, mỗi khi có ai “đụng” tới mấy cái ổ kiến vàng là cứ như… chọt nhằm “con kiến chúa”. Dứt khoát bạn tôi không cho ai đụng tay vào hay làm bất cứ điều gì “khiến lũ kiến phật lòng”.
Tôi tự tìm hiểu và nhận ra rằng bạn tôi có lý, bởi đã có nhiều trường hợp, nông dân phải đi săn lùng từng ổ kiến vàng để thả vào vườn nhà mình, nhưng chiều thả thì sáng hôm sau “tụi nó đi hết ráo”. “Muốn nuôi con kiến vàng và giữ chân lại ở các miếng vườn mới thì chỉ còn cách là tạo môi trường tự nhiên, thức ăn cũng… tự nhiên. Vườn chôm chôm này đã để tự nhiên 2- 3 năm nay, thì qua năm thứ 4, thứ 5 chính là lúc con kiến vàng phát huy tác dụng của mình."
"Trái cây ra tự nhiên, ít phân thuốc, hạn chế tối đa phân hóa học… Nếu đây không gọi là trái cây sạch thì… gọi là gì?”- người bạn bộc bạch. Bạn tôi giải thích, kiến vàng là loại côn trùng mà nông dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới từng nuôi dưỡng trong vườn cây ăn trái, đặc biệt là ở các vườn cây có múi.
Bởi kinh nghiệm xưa nay, khi vườn có kiến vàng thì cây ít bị sâu bọ tấn công, trái mọng nước, “tốt mã” và đặc biệt là “phẩm chất của trái tốt hơn”. Nói theo góc độ khoa học, con kiến vàng là loài thiên địch hữu dụng đối với nhiều loại côn trùng và nhện hại cây ăn trái.
Các nghiên cứu đã chỉ ra việc vườn cây có kiến vàng sẽ rất hữu dụng, trừ các loại côn trùng như: bọ xít cam, sâu bướm phượng, sâu đục vỏ trái, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh và nhiều loại nhện…
Nhờ sử dụng kiến vàng và hạn chế đến mức tối đa thuốc trừ sâu, từ vườn chôm chôm 4 công cho trái theo tự nhiên, những trái chiếng đầu tiên đã có cửa “lọt” vào các tiêu chuẩn cao của thế giới và qua khâu trung gian đã “vươn cánh cao cấp” đến các nước tiên tiến với một tiêu chuẩn rất cao và nghiêm ngặt…
Là một nông dân trồng bưởi da xanh “nức tiếng” ở huyện Mang Thít, ông Lê Văn Khanh (ấp An Hương 2, xã Mỹ An) có thể nói là người tiên phong trong việc nuôi kiến vàng để bảo vệ vườn cây ăn trái. Trong vườn bưởi da xanh của ông Khanh, không khó để có thể bắt gặp những ổ kiến vàng cuộn mình trong những lá bưởi xanh mơn mởn, dày và đầy sức sống.
Ông Khanh cho hay, ý tưởng về một khu vườn bưởi da xanh hữu cơ đã “bén vào lòng” khi ông có dịp đi tham quan, học tập nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài nước.
Khi áp dụng trên vườn bưởi gần 4.000m2 của mình, ông vừa vận dụng vừa nghiên cứu vừa rút kinh nghiệm để làm sao cây bưởi đạt hiệu quả kinh tế, nhưng trong đó một phần rất quan trọng là dần chuyển hẳn theo hướng hữu cơ. Và chuyện con kiến vàng… là cái duyên chắc hẳn sẽ đến.
Qua câu chuyện của một người bạn chí thân với ông Khanh từ lúc còn là những “đồng nghiệp trong hội nông dân xã”, tôi cảm nhận được sự mày mò của ông Khanh, khi tìm hiểu về giống cây, kỹ thuật và điều quan trọng là “chịu khó săn lùng kiến vàng bỏ vô vườn nhà mình”.
Ông Khanh cho biết, hiện nay kiến vàng trong tự nhiên tương đối hiếm nhưng loài này lại đặc biệt có lợi cho vườn cây có múi: “Khi thả kiến vàng có thể giảm nhiều lần hoặc thậm chí không dùng thuốc trừ côn trùng nhưng năng suất và chất lượng trái đều tăng và có vẻ ngoài đẹp”.
Các nghiên cứu cho thấy, thành phần của ổ kiến vàng có khoảng 2.000- 8.000 con kiến các loại, trung bình có 4.000- 4.500 kiến thợ. Khi thả kiến vàng ở những vị trí cao của cây thì từ đây, theo tập tính, con kiến vàng sẽ chiếm cứ phần cao nhất và góp phần giúp nông dân bảo vệ vườn cây ăn trái.
Ông Khanh cho hay, nếu khoảng thời gian trước, nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc trừ sâu rầy để bảo vệ vườn cây ăn trái, thì nay, nhiều nông dân đã bắt đầu áp dụng những phương pháp canh tác hiện đại kết hợp với kiểu làm truyền thống - như chuyện con kiến vàng.
Chuyện con kiến vàng có trong vườn nhà từ xưa đã có trong ký ức của nhiều người, dường như đã cũ, nhưng- có lẽ, sẽ không bao giờ cũ khi đó là một kinh nghiệm quý báu của ông bà ta truyền lại.
Nay lại có những nghiên cứu để khẳng định con kiến vàng chính là một biện pháp đấu tranh sinh học hiệu quả để diệt những loài côn trùng gây hại, từ đó làm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn chất lượng trái và quan trọng hơn đây là một biện pháp sinh học rất cần thiết trong một nền nông nghiệp bền vững.
… Nhắc chuyện con kiến vàng, đã thấy lợi ích trước mắt và lâu dài là thế. Nhìn chăm chú vào mảnh vườn, có lẽ điều ông Khanh muốn nói đến là vườn nhà ông hiện nay là vô cùng tự nhiên, vô hại đối với nhiều loài sinh vật có ích…
Ngồi giữa ngôi nhà thấp thoáng trong vườn bưởi, ông chỉ dưới mé mương, cạnh hàng dừa, bảo: “Giờ khu này chắc chỉ còn mương của chú là còn con cá bống đen, cá bạc đầu hay mấy con cá hủn hỉn ngụp lặn. Còn trên bờ, mấy cái gò đất cao cao, coi vậy chứ tới mùa là nấm mối mọc đầy. Trong khi nhiều vườn khác có lẽ vì thuốc hóa học nhiều nên đã chết… tịt gốc luôn rồi”- ông Khanh cười sảng khoái song vẫn có chút suy tư…
0 nhận xét: