Sau nhiều lần tìm hiểu, khảo sát, Hợp tác xã (HTX) An Thịnh, huyện Trà Lĩnh là đơn vị tiên phong đưa cây chanh leo vào trồng thành công với 8ha, hiện đã nhân rộng trên địa bàn huyện 42ha.
Sản phẩm chanh leo do Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc bao tiêu sản phẩm. Thấy được hiệu quả bước đầu, một số huyện đã đến học tập kinh nghiệm chuyển giao kỹ thuật sản xuất, gieo trồng. Đây là cơ hội mới trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn kết với thị trường ở Trà Lĩnh nói riêng, toàn tỉnh Cao Bằng nói chung.
Đã bao đời nay, người dân xã Quang Vinh, xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh chỉ biết trồng cây ngô, đỗ tương. Sau khi được thử nghiệm, với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, tháng 5/2017, HTX An Thịnh đã trồng cây chanh leo Đài Loan theo hướng nâng cao năng suất, liên kết chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Vì là cây leo nên phải làm giàn, giá đỡ, giúp cây chanh leo sinh trưởng, phát triển, thu hoạch thuận lợi. Có thể dựng trụ bê tông hoặc cây que được bố trí với khoảng cách hợp lý để giữ và kết nối các dây đỡ mặt giàn theo hình vuông. Giàn đỡ có chiều cao gần 2m, thuận tiện cho người trồng chăm sóc, thu hoạch. Thời vụ trồng tốt nhất từ tháng 11 - 12 năm trước đến tháng 5 năm sau.
Chanh leo là cây dễ trồng, nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch 100 tấn/ha, giá bán trung bình từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, loại A có giá từ 35 - 40 nghìn đồng/kg. Sự thành công của HTX An Thịnh không chỉ cây phát triển tốt, nắm bắt kỹ thuật sản xuất, mà đã có thu nhập hàng tỷ đồng với sản phẩm bán ra hơn 50 tấn chanh leo. Chanh leo trồng một lần, khai thác dài hạn với chu kỳ tới 3 năm, trừ chi phí, người trồng có thể thu lãi 60 - 80 triệu đồng/ha/năm. Theo anh Hoàng Văn Hoàn, Giám đốc HTX Anh Thịnh, chanh leo là loại cây dễ trồng, công chăm sóc lại ít, chỉ cần tỉa cành để quả nhận được ánh nắng mặt trời và tránh sâu bệnh. Sau khi cây đã leo lên giàn thì cỏ bên dưới không thể mọc được, chỉ việc tưới nước và thu hoạch. Hiện, đơn vị đã tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên, khi bước vào mùa cao điểm thu hoạch có thể thuê 30 lao động hợp đồng ở địa phương.
Sau 2 chuyến xuất khẩu sang Pháp và Thụy Sỹ, cuối năm 2017, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đã khởi nhà máy chế biến tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cây chanh leo không chỉ mở rộng diện tích ở Tây Bắc mà được đón nhận như một cây mũi nhọn để thay thế dần cây ngô, cây lúa ở Trà Lĩnh và một số huyện khác. Với tinh thần hỗ trợ giống, bao tiêu sản phẩm, HTX An Thịnh đã giúp 24 hộ trồng mới hơn 30ha chanh leo tại các xã Lưu Ngọc, Quang Vinh, Quang Hán. Thấy được hiệu quả, anh Lý Văn Của, dân tộc Mông ở xóm Lũng Pục, xã Quang Vinh đã chuyển đổi 1ha đất trồng ngô sang cây chanh leo. Sau 3 tháng xuống giống, cây chanh leo anh Của đã cho quả, chuẩn bị cho kỳ thu hoạch đầu tiên. Minh chứng cho chuyển đổi từ cây ngô, cây lúa sang cây chanh leo đã rõ, chỉ chưa đầy 2 năm, anh Của đã quyết định đầu tư hơn 80 triệu đồng để phát triển kinh tế bằng cây trồng ăn quả mới.
Dù mới chỉ bắt đầu nhìn thấy hiệu quả về sự phát triển phù hợp khí hậu của cây chanh leo, còn nhiều thách thức ở phía trước khi cây ăn quả này được nhân rộng với quy lớn, trở thành vùng chuyên canh. Thế nhưng, bước đầu, nó thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương với sức lan tỏa rộng, khiến nhiều đoàn cán bộ các huyện đến tham quan, học tập. Hiện ở Quảng Uyên đã trồng thử nghiệm 13ha. Nhiều hộ ở Hà Quảng, Thông Nông đã mạnh dạn chuyển đổi trồng từ 500m2 đến hàng nghìn m2 cây chanh leo đã cho ra hoa, có quả. Sự cuốn hút của người dân không chỉ cho thu nhập hàng trăm triệu/ha, điều đáng tin cậy hơn khi Tập đoàn Nafoods trở thành “vua chanh leo” đã đầu tư, hợp đồng, bao tiêu sản phẩm tại nhiều tỉnh trên cả nước. Theo đó cung cấp giống, chuyển giao khoa học theo chuỗi giá trị, cam kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Lĩnh khẳng định, hiện cây chanh leo đã có thị trường, có thể tiêu thụ hàng trăm tấn/năm, được các nhà bao tiêu sản phẩm đánh giá cao về chất lượng. Một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài dự kiến sẽ đầu tư vào Trà Lĩnh hàng triệu USD để hỗ trợ nhân rộng cây công nghiệp này. Năm 2018, huyện trà Lĩnh tiếp tục vận động bà con nhân dân chuyển đổi mạnh mẽ, hướng tới phát triển đại trà cây chanh leo.
Trong cơ chế thị trường, người nông dân rất nhạy bén để lựa chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là khi có doanh nghiệp lớn để cùng đồng hành theo chuỗi giá trị đến mắt xích cuối cùng là tiêu thụ được sản phẩm. Cây chanh leo cũng vậy, vấn đề là mấu cốt không phải là tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà cần có sự phối hợp ký kết hợp đồng lớn liên kết giữa các tỉnh với doanh nghiệp. Mặt khác, cần có chính sách đặc thù từ mô hình làm điểm đến sản xuất đại trà, trở thành vùng chuyên canh hàng hóa. Nếu địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý hành chính, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư gieo trồng, sản xuất thì chanh leo được kỳ vọng là cây làm giàu nhanh chóng cho người dân địa phương.
0 nhận xét: