Thời điểm này, na Lực Hành (Yên Sơn) đang thu hoạch rộ. Tuy thời tiết không thuận lợi như một số năm trước, song nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năm nay na được mùa. Toàn xã hiện có khoảng 93 ha đất trồng na, tập trung chủ yếu ở các thôn Minh Khai, Làng Trà, Đồng Rôm…
So với các cây trồng khác thì cây na có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.
Ở Lực Hành thì thôn Minh Khai mới là “thủ phủ” của na. Bây giờ đang bước vào đầu mùa na, không khí nơi này đã trở nên tấp nập. Từ sáng sớm, con đường vào thôn Minh Khai luôn tấp nập phương tiện, người ra vào mua bán na. Tiếng nói, tiếng cười rôm rả của người gánh, cân, xếp na vào thùng rồi đưa lên xe ô tô tải của các thương lái chở đi tiêu thụ…
Trước đây, khu vực thôn Minh Khai vốn là vùng đất khó do thiếu nước canh tác. Để có được vùng đất trù phú cây trái như ngày hôm nay là công sức gần nửa thế kỷ mà người dân nơi đây bỏ ra, tìm tòi đưa các loại giống cây trồng phù hợp.
Niềm vui được mùa, được giá na của bà con xã Lực Hành.
Cây na chỉ thích hợp ở những nơi đất mát, vùng núi đá vôi, nhiều nơi tưởng chừng không trồng được cây gì cho hiệu quả thì cây na lại thích hợp.
Vườn na của gia đình ông Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai năm nay ước đạt trên 10 tấn quả, với giá bán dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng/1kg, gia đình ông trừ chi phí thu lãi trên 250 triệu đồng. Tận dụng diện tích đất đồi, người dân xã Lực Hành (Yên Sơn) trồng cây na dai cho hiệu quả kinh tế.
Sau khi thu hoạch để tránh quả na bị mất phấn và thâm đen, bà con nông dân đã dùng giấy báo để gói na.
Na Lực Hành được lái thương săn mua vì chất lượng quả hiếm nơi nào sánh bằng.
Điểm đầu mối thu mua na của bà Lê Thị Thảo, thôn Minh Khai luôn tấp nập người mua bán, mỗi ngày tại điểm này xuất bán na cho thương lái gần 10 tấn quả. Những con đường bê tông nông thôn đã dẫn vào khu sản xuất, tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển na của bà con.
Sản phẩm na Lực Hành được xuất bán cho các thương lái đến từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Nội…...và được bày bán tại các chợ của TP Tuyên Quang.
0 nhận xét: