Mô hình liên kết trồng dứa nguyên liệu giữa tỉnh Quảng Trị với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và Học viện Nông nghiệp Việt Nam sau hơn 1 năm triển khai đến nay đã cho thu hoạch. Đây là mô hình liên kết trồng cây trồng mới đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Những ngày này, gia đình anh Trần Hiển ở HTX Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ tập trung nhân lực để thu hoạch 1,1 ha dứa. Nhờ đầu vụ gia đình anh chia ra trồng theo nhiều đợt nên dứa các đợt chín dần, dứa chín đến đâu thu hoạch đến đó. Vụ đầu tiên trồng dứa với quy mô lớn, lúc ra hoa gặp thời tiết nắng nóng nên năng suất đạt thấp, sản lượng dứa của gia đình anh Hiển ước đạt khoảng 25 tấn, trong đó dứa loại 1 chiếm khoảng 60%, dứa loại 2 khoảng 30%, còn lại dứa nhỏ dưới 0,35 kg/quả công ty không thu mua nên anh Hiển đem ra chợ bán. Doanh thu vụ dứa đầu tiên của gia đình anh Hiển ước đạt gần 70 triệu đồng. Vụ đầu trồng thử nghiệm mặc dù kết quả không như mong đợi do thời tiết bất thuận nhưng cũng mang lại tín hiệu vui cho gia đình anh Hiển bởi sản phẩm làm ra đạt quy chuẩn đã được công ty thu mua hết.
Đúng như thỏa thuận đã ký kết hợp đồng với các HTX và tổ hợp tác, một tuần nay, khi dứa bắt đầu vào vụ thu hoạch là lúc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đến thu mua cho nông dân theo giá đã ký trong hợp đồng là 4.000 đồng/kg dứa loại 1 (trọng lượng từ 0,45 kg trở lên/quả) và 2.800 đồng kg/ dứa loại 2 (từ 0,35- 0,44 kg/quả). Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã cử cán bộ đến thu mua dứa tại ruộng cho nông dân theo kết quả đánh giá và phân loại của công ty và HTX, có sự chứng kiến của người dân. Anh Lý Quốc Bảo, nhân viên Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: “Thực hiện hợp đồng, công ty đã tích cực thu mua toàn bộ sản phẩm dứa đạt quy chuẩn khi dứa vừa chín tới. Nông dân thu hoạch đến đâu, công ty thu mua đến đó để dứa đảm bảo chất lượng khi đưa vào chế biến”.
Thực hiện chương trình liên kết trồng dứa nguyên liệu có sự tham gia của nhiều bên, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho nông dân ứng trước giống, phân bón và phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Tỉnh hỗ trợ cho nông dân một số vật tư phục vụ sản xuất nên 144 ha dứa trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh ban đầu phát triển khá tốt, thích nghi về điều kiện khí hậu và đất đai của từng địa phương.
Hiện nay, nông dân các vùng trồng dứa đang khẩn trương thu hoạch dứa đợt đầu khoảng 50 ha, ước sản lượng khoảng 1.200 tấn. Theo giá thu mua của công ty và năng suất dứa thì giá trị thu hoạch 1 ha dứa đạt khoảng 65- 68 triệu đồng. Tuy nhiên, do đây là năm đầu tiên trồng mới loại cây này (giống dứa Queen) và điều kiện thời tiết không thuận lợi lúc ra hoa đậu quả tác động nên năng suất đạt thấp, nông dân có lãi không đáng kể. Nhưng qua kết quả liên kết ban đầu thì đây cũng là loại cây trồng có thể lựa chọn để đưa vào sản xuất trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đây là sản phẩm đầu mùa nhưng mang lại tín hiệu vui trong vấn đề liên doanh, liên kết. Ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương cùng với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ đánh giá lại mô hình sản xuất, rút kinh nghiệm và tổ chức sản xuất tốt hơn trong các vụ tiếp theo”.
Hiện nay, nông dân các vùng trồng dứa đang khẩn trương thu hoạch dứa đợt đầu khoảng 50 ha, ước sản lượng khoảng 1.200 tấn. Theo giá thu mua của công ty và năng suất dứa thì giá trị thu hoạch 1 ha dứa đạt khoảng 65- 68 triệu đồng. Tuy nhiên, do đây là năm đầu tiên trồng mới loại cây này (giống dứa Queen) và điều kiện thời tiết không thuận lợi lúc ra hoa đậu quả tác động nên năng suất đạt thấp, nông dân có lãi không đáng kể. Nhưng qua kết quả liên kết ban đầu thì đây cũng là loại cây trồng có thể lựa chọn để đưa vào sản xuất trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đây là sản phẩm đầu mùa nhưng mang lại tín hiệu vui trong vấn đề liên doanh, liên kết. Ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương cùng với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ đánh giá lại mô hình sản xuất, rút kinh nghiệm và tổ chức sản xuất tốt hơn trong các vụ tiếp theo”.
Vụ dứa đầu tiên, mặc dù kết quả đạt được chưa mỹ mãn nhưng đã thể hiện tính tích cực và hiệu quả của mô hình liên doanh, liên kết. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã giữ “chữ tín” trong liên kết sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm với phương châm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân. Đây là cơ sở tạo được lòng tin cho nông dân để họ yên tâm sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở kết quả sản xuất ban đầu sẽ tập trung đánh giá rút kinh nghiệm, tìm ra các biện pháp chỉ đạo về kỹ thuật để tổ chức sản xuất các vụ sau đạt hiệu quả tốt hơn.
0 nhận xét: