Mỗi độ tháng 5, tháng 6, khi cái nắng vùng cao bắt đầu rực rỡ, trên mảnh đất cao ngang đỉnh núi Ham Soong hùng vĩ, cây “Trí khợ” (Txir khơưz - tiếng Mông), theo tiếng Kinh có nghĩa là cây mận, đã bắt đầu cho những trái ngọt, tô màu đỏ thắm.
Về nơi có mận “ ngon nhất” huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
20 năm trước, người Mông sinh sống tại xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ đã mang giống mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai) lên vùng núi Ham Soong để gây giống. Do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây mận đã bén rễ rồi đơm hoa, kết trái.
Những quả mận sạch không hề có bất cứ thuốc bảo vệ nào.
Gọi là mận Ham Xoong, bởi đây là giống mận được bà con nhân dân 2 bản Ham Xoong 1, 2, xã Vàng Đán mang về trồng. Đã hơn chục năm nay, mặc dù cây đã có phần già cỗi, nhưng những quả mận vẫn còn khá ngon với quả to tròn, khi chín ngả sang màu tím, mọng nước và rất ngọt, giòn.
Hiện nay, thực hiện chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới, xã Vàng Đán lựa chọn mận Ham Xoong để phát triển thành sản phẩm thương hiệu đặc trưng của xã.
Cây mận tam hoa đã trồng hơn chục năm vẫn bói quả trĩu cành.
Ông Mùa Chớ Sùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vàng Đán là một xã đặc biệt khó khăn của huyện, để phát triển một loại cây, con giống mới nào đó thì mất rất nhiều thời gian để trồng thí điểm và nhân rộng mới biết có phù hợp hay không. Vì vậy, với lợi thế, nhân dân 2 bản Ham Xoong 1, 2 đã có giống mận ngon như vậy rồi, nên chúng tôi quyết tâm phát triển giống mận làm sản phẩm đặc trưng của xã.
Trên lộ trình đó, hiện nay, Vàng Đán đã và đang khôi phục lại giống mận Ham Xoong. Từ sự trợ giúp của các phòng ban chuyên môn huyện, hiện nay xã đã triển khai trồng và tiến hành ghép cải tạo được 1.300 cây mận tại 3 hộ gia đình ở bản Ham Xoong 2 hướng tới mục đích dần dần nhân rộng mô hình trồng mận trên diện tích lớn, xây dựng thương hiệu mận Ham Xoong bán ra thị trường, tạo thêm thu nhập cho người dân. Trong đó các gốc ghép cải tạo, gốc ghép mới sẽ bói quả vào mùa mận năm sau.
Được thưởng thức mận Nậm Pồ trong sự thân thiện mến khách của người dân nơi đây.
Đến nay, vào mỗi vụ thu hoạch mận tam hoa, bà con nơi đây không chỉ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà còn xóa đói, giảm nghèo và hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế lâu dài.
0 nhận xét: