Năng động, sáng tạo chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang đất vườn, ông Nguyễn Văn Tính (ngụ ấp Hòa Phú 2, thị trấn An Châu, Châu Thành) đã mạnh dạn trồng 15 công chanh tứ quý. Sau 1 năm trồng, ông Tính thu được sản lượng chanh đáng kể. Vụ chanh từ năm thứ 2 cũng đang mang lại cho ông những “quả ngọt”.
Ông Nguyễn Văn Tính thu hoạch chanh tứ quý.
Ông Tính (64 tuổi) chia sẻ: “Tôi gắn bó với công việc nhà nông từ thuở nhỏ. Ngày trước làm lúa còn có ăn, chứ 6-7 năm gần đây, năm nào làm lúa cũng thua lỗ hoặc phá huề. Nhân một chuyến đến thăm nhà bạn ở Tiền Giang, tôi thấy các mô hình trồng cây ăn trái ở đây rất hiệu quả. Được bạn chia sẻ tận tình về kỹ thuật trồng chanh tứ quý, tôi mạnh dạn chuyển đổi 4 công đất lúa sang trồng chanh tứ quý. Sau 1 năm thấy chanh cho trái nhiều, tôi cùng con trai chuyển đổi thêm 11 công nữa”.
Ông Tính cho hay, chanh tứ quý là loại giống từ nước Úc, cây giống được mua trực tiếp từ các trang trại giống ở Tiền Giang. Chanh tứ quý trái to, vỏ màu xanh, dày, nước nhiều và có hạt. Sau 1 năm trồng có thể thu hoạch và tháng nào cũng ra trái, đạt năng suất 10kg/cây/năm. Trong khi đó, chanh không hạt thu hoạch 1 vụ/năm, năng suất trung bình 5kg/cây/năm.
Năm trước (tháng 2-2018 âm lịch), với 4 công (300 cây chanh), ông Tính thu hoạch 625kg chanh, bán với giá 24.000 đồng/kg, thu về 150 triệu đồng. Sau đó, mỗi tháng chanh đều cho thêm trái. Thay vì bán tiếp với mức giá thấp (vào tháng thấp điểm, có khi chỉ 5.000-6.000 đồng/kg) ông Tính thu hoạch trái xấu, sau đó chăm bón dưỡng cây để tháng 9 (âm lịch) cây tập trung ra bông đẹp, cho trái to đẹp, năng suất cao, đến tháng có giá thì thương lái sẽ đến tận vườn thu mua.
Ông Nguyễn Văn Tính chăm sóc vườn chanh tứ quý của gia đình.
Điều ông Tính yêu thích trồng chanh tứ quý không chỉ ở năng suất cao và được giá, mà còn nhẹ công chăm sóc. Ông Tính chia sẻ: “Nếu nắm bắt được kỹ thuật lên liếp, chăm bón ngay từ đầu cây chanh sẽ khỏe, ít sâu bệnh. Với cách làm liếp đất không quá cao, không quá thấp sẽ đảm bảo độ ăn sâu vào mặt đất, khoảng cách mỗi cây từ 4m trở lên sẽ đảm bảo cây phát triển cành, lá tốt. Cùng với đó là xử lý đất và bón phân tốt, đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên. Ngoài ra, nên hạn chế xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật, vì giống chanh có sức đề kháng tốt, ít bị các loại sâu hại”.
Nắm bắt kỹ thuật trồng khá tốt nên khi hàng xóm, bạn bè đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, ông Tính đều tận tình chia sẻ nhằm giúp mọi người có kinh nghiệm để sản xuất.
Khi được hỏi nếu phát triển diện tích trồng chanh lên nhiều có băn khoăn về đầu ra, ông Tính chia sẻ: “Do đặc tính của cây chanh tứ quý có vỏ dày, thuận lợi cho việc vận chuyển, thời gian để được lâu nên thương lái “ăn hàng” mạnh. Sản phẩm được các thương lái tập kết tại chợ đầu mối và vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là các địa phương ở miền Bắc. Do vậy, thời gian này tôi tạm yên tâm về đầu ra cho sản phẩm chanh tứ quý. Trong tương lai, người nông dân cần phải năng động hơn, hướng đến sản xuất sạch hơn như: sử dụng phân bón sinh học đảm bảo an toàn cho cây chanh, tăng cường kết nối với các nông dân, đơn vị để cân đối diện tích trồng và sản lượng thu hoạch, tìm thêm hướng ra cho sản phẩm”.
Đây là mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng chanh tứ quý tại thị trấn An Châu.
Để không phải phụ thuộc vào thương lái, ông Tính còn đa dạng sản phẩm với việc trồng xen canh giữa chanh tứ quý và sầu riêng, cà na Thái Lan. Các sản phẩm có cùng đặc tính có thể xen canh lẫn nhau, hỗ trợ “lấy ngắn nuôi dài”, bổ sung thu nhập và tái đầu tư sản xuất, phát triển mô hình trồng vườn lâu dài.
0 nhận xét: