Những ngày này, bà con nông dân xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đang thu hoạch quất trái vụ. Quất năm nay được mùa lại dễ bán nên nông dân rất phấn khởi.
Gia đình chị Lê Thị Hiên ở thôn Thúy Lâm là một trong những hộ có thâm niên trồng quất trái vụ. Nhà chị có 4 sào vườn, trong đó có 2 sào chuyên trồng quất trái vụ, 2 sào còn lại chị trồng xen canh quất, vải. So với năm ngoái, quất năm nay quả to, đẹp hơn, năng suất ước đạt khoảng 2 tấn, với giá bán đầu vụ là 15.000 đồng/kg, quất đẹp giá 17.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu lãi trên 20 triệu đồng.
Gia đình ông Trần Trung Lìn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Sơn có hơn 1mẫu vườn, trong đó có tới 8 sào chuyên trồng quất. Mỗi năm, gia đình ông Lìn thu khoảng 100 triệu đồng từ quất trái vụ. Không riêng gia đình ông Lìn, còn rất nhiều hộ ở Thanh Sơn có mức thu nhập cao từ quất trái vụ như gia đình các ông Trần Văn Kiểm, Nguyễn Văn Biển đều có 2 mẫu quất ở khu Ba Đa.
Các cánh đồng Ba Đa, Cống Nứa, Rùi Chiềng, Lý Đê của xã Thanh Sơn hiện được phủ bạt ngàn màu xanh của quất. Ông Trần Trung Lìn cho biết những năm trước đây toàn bộ diện tích vườn lập, vườn canh tác của các gia đình trong xã chủ yếu là trồng vải, diện tích trồng xen quất rất ít. Tuy nhiên gần đây, một số diện tích trồng vải bị cằn cỗi, năng suất thấp, giá không ổn định nên nhiều hộ đã đốn tỉa cây vải và trồng xen một số cây ngắn ngày như ổi, chuối, đặc biệt là diện tích trồng quất đang có xu hướng tăng mạnh. “Nhân dân Thanh Sơn có kinh nghiệm trồng quất rất giỏi, trừ một số hộ trồng quất cảnh bán vào dịp Tết Nguyên đán, còn lại đa số các hộ đều trồng quất để bán quả. Các hộ thường đảo lại vườn để đất tơi xốp, rắc vôi bột, phân, lân hữu cơ, sau đó trồng với khoảng cách từ 1,5-2 m/cây, luống cách luống khoảng 1 m. Quất ra quả trái vụ thường cho thu hoạch vào tháng 3 đến đầu tháng 5 âm lịch hằng năm”.
Trong tổng số 477 ha đất canh tác của xã Thanh Sơn, đến nay có khoảng 60% diện tích đã được chuyển sang trồng quất. Toàn xã có trên 900 hộ có diện tích quất trồng tập trung. Hộ ít cũng vài ba sào, hộ nhiều có tới 2 - 3 mẫu quất. Người dân xã Thanh Sơn lựa chọn trồng chủ yếu là loại quất bộp quả to dễ bán, cho năng suất cao, đạt 7-8 tạ quả/sào. Vào mỗi vụ thu hoạch, thương lái ở các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng... đến tận vườn để thu mua quất, bà con không phải mang ra chợ bán. “Ngoài thương lái ở các tỉnh về thu mua, địa phương cũng có trên 10 cơ sở có xe ô tô hợp đồng thu mua quất cho bà con theo giá thỏa thuận, thanh toán sòng phẳng. Khi đã nhận hợp đồng, kể cả trời mưa, trời nắng, bà con vẫn thu hoạch quất bảo đảm hàng cho tư thương không bị nhỡ”, ông Lìn cho biết thêm.
Để quất ra quả trái vụ là cả một quá trình mà người nông dân luôn phải tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật, theo dõi sát tình hình thời tiết, tình hình phát triển của cây quất. Năm nay, Thanh Sơn sản xuất quất tập trung với diện tích trên 11 ha ở khu vực đồng Ba Đa và khu Cống Nứa với 120hộ tham gia. Các hộ tham gia vùng trồng quất tập trung được tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, trang bị kiến thức trồng quất theo quy trình, có sổ sách ghi chép nhật ký vườn cây và được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật.
0 nhận xét: