Nông dân các xã An Mỹ, Phú Điềm, An Chấn, An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) những ngày qua bội thu mùa quả ngọt trên những cánh đồng. Mùa quả chỉ kéo dài 40 đến 50 ngày, mỗi hộ dân có thể thu về hàng chục triệu đồng.
Ông Lê Đức Sang (52 tuổi, thôn Phú Long, xã An Mỹ), người dân đang trồng dưa gang trên cánh đồng thôn Phú Long, cho biết: “Những cánh đồng ở huyện Tuy An này là vùng đất đen phù sa nên trồng cây gì cũng tươi tốt. Trồng rau quả, nhất là dưa gang thì cho trái to lắm”.
Nông dân Sang kể, nghề trồng dưa tại huyện Tuy An có truyền thống lịch sử lâu đời. Đời này truyền sang đời khác, cứ thế những lớp người thay nhau phát triển nghề. Những cánh đồng như đồng Mốc (xã An Chấn), xóm Chùa, bàu Súng, bàu Đường (xã An Mỹ)… thường bạt ngàn rau, quả như: dưa gang, dưa hấu, dưa bom, dưa lê, rau, khổ qua… Mấy năm trước trồng quả trúng lớn, cứ 1 sào đất (500m2) thu về vài triệu đồng, có hộ mỗi vụ thu cả trăm triệu đồng.
Đang tay thu hoạch vựa dưa gang nằm sát bên QL1A, anh Trần Văn Tài (46 tuổi, xã An Mỹ) vui vẻ: “Tui có 4 năm trồng rau muống, năm nay thấy chán nghề nên chuyển sang học trồng dưa. Tôi đến thuê 7 sào đất của hợp tác xã ở bên QL1A này để trồng dưa gang, dưa lê, dưa bom và cả dưa hấu. Mới xuống giống chăm sóc 45 đến 50 ngày mà vựa dưa gang này đã ra trái sai kinh khủng. Nhiều thương lái đánh giá, trước nay vùng rau quả Tuy An chưa có ruộng dưa gang nào sai trái như ruộng của tui hết. Dưa nhiều trái, cho quả rất ngọt nên thương lái đổ xô đến hẹn thu mua từ rất sớm. Đã hơn 1 tuần nay, tui gánh quả, bán được hơn 30 triệu rồi mà ruộng dưa vẫn còn ngổn ngang. Hiện, vẫn còn 2,5 sào quả dưa hấu đang chuẩn bị cho thu. Vụ này, chắc thắng lớn!”.
Một số thương lái đang bán dưa trên QL1A (đoạn qua tỉnh Phú Yên) rỉ tai rằng, ở vùng dưa Tuy An, dưa gang và dưa lê cho trái rất ngọt, nhất là vùng ruộng ở xã An Hiệp, Phú Điềm. Hiện, giá dưa lê bán 15.000 đồng/kg; dưa gang, dưa bom, dưa hấu… khoảng 4.000 - 7.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã An Chấn, cánh đồng Mốc rộng khoảng 7ha. Trước đây, đồng này vẫn trồng lúa 2 vụ, nhưng khoảng 6 năm trở lại đây, nước ở đập thủy nông đồng Cam không đưa vào được nên bà con chuyển đổi qua trồng các loại quả ngắn ngày. Việc trồng quả này, mỗi năm cho thu nhập khá cao đối với người dân.
Ông Hồng hứa hẹn: “Sắp tới, nếu có nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới thì chúng tôi sẽ quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn quả, cho kéo điện, khoan giếng để bà con sản xuất rau quả sạch. Nếu làm được quy hoạch, liên kết được với các xã còn lại như An Mỹ, An Hiệp, Phú Điềm thì chúng tôi sẽ tạo được một vùng rau quả lớn nhất khu vực. Từ đó, ngành chức năng sẽ hướng dẫn cho bà con mở rộng phạm vi, tư duy, giống rau quả. Làm sao biến nơi đây thành vùng rau quả lớn, chuyên cung cấp sản phẩm sạch nhất đến với người tiêu dùng…”.
0 nhận xét: