Bơ là cây trồng không mới với bà con nông dân huyện miền núi Tân Phú, nhưng trồng theo hướng chuyển đổi từ vườn tạp cà phê, tiêu già cỗi kém hiệu quả là cách làm của nhiều hộ gia đình ở ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân, Tân Phú, Đồng Nai. Cách làm này đã giúp nông dân tăng thu nhập, cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ nông dân ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng bơ.
Qua tìm tòi, tham khảo và nghiên cứu nhiều tài liệu nhận thấy cây bơ phát triển tốt và giá cả ổn định nên ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Bàu Chim quyết định chuyển diện tích đất trồng cà phê sang trồng hơn 200 cây bơ sáp vàng. Theo ông, trồng bơ không khó, nhưng để cây bơ cho ra trái nhiều và bán được giá đòi hỏi người trồng phải biết cách lựa chọn giống bơ. Bên cạnh đó, phải nắm vững kĩ thuật trồng và chăm sóc bơ, nhất là quy luật ra hoa kết trái của bơ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Bàu Chim – xã Phú Xuân vui vẻ cho biết “Hồi trước tôi trồng cà phê nhưng thấy năng xuất không cao, không có ăn mấy, thấy đứa em làm bơ ổn định cho nên tôi chuyển qua trồng bơ năm nay là năm thứ ba, tôi mới phá bỏ cà phê. Công chăm sóc cây bơ dễ thôi, cực lúc đầu ra bông gặp mưa, hoặc sương muối thì mình phải xịt thuốc, quan trọng là hai khâu giữ được trái. Sau đó, 2 đến 3 tuần mình xịt thuốc dưỡng một lần, bơ nó đỡ bệnh hơn sầu riêng, nó chủ yếu là khô cành nhưng dễ trị. Chủ yếu cần nước, quan trọng là nước chăm dễ hơn mấy loại cây trồng khác, ít sâu bệnh tưới nước càng nhiều bơ càng mau lớn chừng đó, không như cây sầu riêng tưới nhiểu cũng rụng, tưới ít cũng rụng, cây bơ dễ chăm sóc mà cho thu nhập cao là chỗ đó”.
Gia đình ông Hùng một năm thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ 200 gốc bơ.
Giống bơ sáp vàng, cho năng suất cao, quả to, cơm dày, dẻo và ngon chỉ trong 3 năm sẽ cho thu hoạch. Khi cây bơ ra hoa và bung đọt non cần lượng tưới nước nhiều và bón phân, để cho cây phát triển tốt hơn. Với phương pháp này diện tích bơ của ông luôn cho thu hoạch sớm nên giá bán hơn bơ chính vụ. Không riêng gì gia đình ông Hùng mà hiện nay trên địa bàn ấp Bàu Chim rất nhiều nông dân chuyển sang trồng bơ.
Ông Trần Hồng Nhiễm, Trưởng ấp Bàu Chim – xã Phú Xuân cho biết “Cây bơ hiệu quả kinh tế rất cao, thị trường thì ổn định bình quân ba mươi mấy ngàn đồng/kg, một cây trung bình cho khoảng 1 tạ, từ quan điểm đó bà con chuyển đổi cây trồng. Hiện tại ấp Bàu Chim chuyển đổi trồng 30 hecta giống bơ, đặc thù cây bơ bà con nhân giống lựa chọn cây có chất lượng, có năng suất trái bơ ngon có độ dẻo để thu hút thị trường”.
Cây bơ cho hiệu quả kinh tế rất cao, giá cả thị trường ổn định nên nhiều hộ dân chuyển sang trồng bơ.
Là một trong những ấp đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn ấp đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng bơ…Trồng bơ cho thu nhập cao hơn hồ tiêu, cà phê vốn đầu tư thấp, bơ ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, đầu ra của bơ hiện ổn định.
0 nhận xét: