Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, thời gian qua, Hội CCB xã Nghĩa Hưng huyện Nghĩa Đàn đã triển khai thí điểm mô hình trồng chanh Hoàng Niên cho quả sớm, với giá bán hiện nay từ 20 - 25 ngàn đồng/kg, cao gấp 4- 5 lần chanh mùa.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn, chi hội CCB xóm 10 xã Nghĩa Hưng là hộ được Hội CCB xã Nghĩa Hưng chọn làm điểm để thực hiện mô hình trồng chanh Hoàng Niên. Đến nay, sau hơn 2 năm mô hình đã cho hiệu quả kinh tế thiết thực. Với hơn 100 gốc chanh Hoàng Niên cho quả sớm, vừa qua gia đình thu hoạch được hơn 1 tấn quả, với giá bán trung bình từ 20 - 25 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá chanh mùa chỉ đạt 5 ngàn đồng/kg, so với chanh Hồng Niên sớm thì hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 - 5 lần.
“Cây chanh Hoàng Niên khoảng 18 - 20 tháng sau khi trồng, cây đã cho vài trăm hoa và đậu được nhiều trái trên cây, tuy nhiên cây còn nhỏ chưa đủ sức nuôi nên cần lặt bớt trái để giúp cây mau phát triển hơn. Trồng chanh Hoàng Niên thu quả trái vào tháng 1, 2 âm lịch" - ông Sơn chia sẻ.
Sau khi thu hoạch nên tỉa lá, không ảnh hưởng đến hoa và đậu quả mà còn kích thích sự ra hoa và phát triển cây. Tuy nhiên, muốn đạt được năng suất cao nhất người trồng chanh cần phải chăm sóc phân bón đầy đủ và phun thuốc định kỳ cho cây.
Bên cạnh việc áp dụng các kỷ thuật chăm sóc đã được học, ông còn theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển và các loại dịch bệnh phát triển trên toàn bộ cây trồng. Sau một thời gian trồng trên đất đá ong, ông nhận thấy đây là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt là dễ thích nghi với mọi điều kiện về khí hậu, và thổ nhượng.
"Muốn cây phát triển bền vững, trái sai, chất lượng tốt, trước hết người trồng phải biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Và không ép cho cây ra nhiều quả vì làm như thế cây sẽ mau già cỗi và tuổi thọ không cao" - ông Sơn cho biết thêm.
Chanh Hoàng Niên còn có một ưu điểm nữa là cây ít bị bệnh vàng lá, xì mủ, ít bị sâu cuốn lá như các loài cây có múi khác nên người trồng giảm được tổn thất và lợi nhuận thường ở mức cao. Sau khi cho sản phẩm đã được tư thương ở các vùng như Thái Hoà, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Vinh… tìm đến tận vườn thu mua. Hiện tại, gia đình ông Sơn không chỉ có nguồn thu nhập cao từ việc bán chanh mà còn cung cấp nguồn cây giống cho một số hộ nông dân khác trên địa bàn xã và các xã vùng phụ cận. Đồng thời ông cũng luôn hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm trồng chanh Hoàng Niên cho Hội viên và bà con nông dân.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, đặc biệt, tránh tình trạng được mùa mất giá, sau khi đi tìm hiểu mô hình trồng chanh ở huyện Nam Đàn về Hội CCB xã đã thí điểm trồng thử 100 gốc chanh Hoàng Niên cho quả sớm. Đến nay, mô hình đã thành công, thời gian tới, xã sẽ tuyên truyền để cho các hội viên nông dân có thể áp dụng vào mô hình của gia đình mình.
“Thực tế nhiều năm nay, trên địa bàn xã Nghĩa Hưng nói riêng vào mùa chanh giá rất rẻ, lại khó tiêu thụ, trong khi đó, chanh trái vụ không có để tiêu thụ, phải nhập từ nhiều nơi khác vào. Từ đó, Hội đã tham quan và đưa về trồng thử nghiệm tại mô hình của gia đình CCB Nguyễn Hồng Sơn. Đến nay, mô hình đã thành công và cho hiệu quả" - ông Trịnh Hoàng Thân, Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Hưng trao đổi.
0 nhận xét: