Bén duyên với vùng đất rừng xã Khánh Thuận, huyện U Minh chỉ mới hơn 5 năm, nhưng bằng niềm đam mê và tinh thần cần cù, chịu khó, anh Nguyễn Minh Kha đã gầy dựng được mô hình trồng cây ăn trái, cho thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm.
Vườn cam sành của gia đình anh Nguyễn Minh Kha cho năng suất từ 8 – 9 tấn/ha.
Cách đây hơn 5 năm, từ khi về lập nghiệp tại ấp 18, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh anh Nguyễn Minh Kha đã bắt tay cải tạo đất tìm kiếm mô hình để tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Thấy đất phù hợp, rất thuận lợi cho việc phát triển cây ăn trái nên anh Kha đã mạnh dạn bỏ ra một số vốn lớn đầu tư mua 10ha đất, cải tạo trồng 2.200 gốc cam sành và 400 gốc xoài.
Anh Kha cho biết: “Vùng đất lâm phần rừng tràm U Minh Hạ rất thích hợp để trồng cây ăn trái bởi có nhiều phân và chất đạm hữu cơ trong đất. Vì vậy, tôi đã đi học hỏi nhiều nơi, để về áp dụng trồng trên diện tích đất của gia đình. Đến nay, tôi đã thử nghiệm và trồng được nhiều loại cây cho ra trái nghịch mùa như cam sành, xoài, bưởi. Tôi nghĩ không điều gì là không thể làm được, quan trọng là mình có quyết tâm hay không”.
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cam sành, anh Kha luôn chú trọng từng công đoạn từ trồng đến chăm sóc, bón phân và xịt thuốc cũng như cắt cành tạo tán và làm trái. Hiện tại, anh Kha đang trồng cam sành theo hướng sạch, chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ, sinh học để vừa giúp cho trái ngon, ngọt, đạt chất lượng mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Với 2.200 gốc cam sành, vụ mùa năm nay anh Kha ước tính thu hoạch gần 100 tấn trái, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 500 triệu đồng.
Vụ mùa năm nay, anh Kha ước tính thu hoạch gần 100 tấn trái, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Minh Kha cho biết: “Chăm sóc cam sành khó nhất là bệnh lở cổ rễ, rụng trái non. Nếu trị được hai loại bệnh này thì cam mới có thể phát triển tốt và cho trái nhiều. Sau mỗi đợt thu trái, cần cắt bỏ những cành già bị sâu bệnh, những cành có nhiều trái mới thu xong, để dưỡng những cành còn lại khỏe hơn, tiếp tục cho trái mùa sau được hiệu quả”.
Nhờ chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp anh Kha gây dựng cho mình mô hình sản xuất kinh tế bền vững. Ngoài trồng cam sành, gia đình anh cũng thành công với mô hình trồng xoài cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Ông Mai Văn Chiến, Phó Trưởng ấp 18 xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết: “Từ cách làm kinh tế của anh Kha, nhiều người dân trên vùng đất lâm phần rừng tràm xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã học hỏi và áp dụng làm theo. Hiện tại, một số gia đình đã phát triển được khu vườn với nhiều loại cây ăn trái có giá trị, trong đó giống cam sành được quan tâm phát triển. Hiện tại, ấp 18 đã thành lập được tổ hợp tác chuyên trồng cam sành, thu hút gần 10 tổ viên tham gia, hộ nào trồng cũng đạt năng suất cao, cho thu nhập mỗi năm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng”.
Cải tạo đất, lựa chọn cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cải tạo đất, lựa chọn cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao đang là một trong những giải pháp hay được anh Kha và một số hộ dân nơi đây thực hiện có hiệu quả, hướng tới mục tiêu đa dạng hóa các loại cây trồng, nhất là cây ăn trái. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương từng bước phát triển và thu nhập của nhiều hộ nông dân không ngừng được nâng lên.
0 nhận xét: