Gần đây, nhiều vườn bưởi da xanh của bà con nông dân miền Tây bị thiệt hại do loài sâu đục trái gây hại. Ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn bà con cách ngăn chặn để tránh dịch phát tán, lây lan.
Sâu gây hại cây trái
Vườn bưởi da xanh 7.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Hồng Vân ở Ấp 4, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm bị thiệt hại nặng nề, khoảng hơn 2 tấn bưởi, giá trị trên 100 triệu đồng do sâu đục trái bưởi gây ra. Ông Vân cho biết: “Gần đây, do bận công việc nên gia đình ít có thời gian chăm sóc vườn bưởi. Đến khi thương lái vô thu mua thì phát hiện gần 50% quả trong vườn đã bị sâu gây hại không bán được, một số quả đã chín bán với giá rất thấp”.
Không chỉ gây hại bưởi da xanh, loài sâu này còn tấn công cả cam, chanh, quýt trồng xen trong vườn. Hiện tại, gia đình ông Vân đang tập trung gom trái bị sâu đục trong vườn rồi dùng dao chẻ nhỏ để tìm diệt sâu nhằm không cho phát triển thành bướm. Đồng thời, mỗi đêm phải dùng vợt để bắt bướm, ngăn không cho bướm đẻ trên quả bưởi nên tình hình cũng đã giảm.
Những vườn xung quanh cũng bị thiệt hại do loài sâu đục trái bưởi gây ra khiến năng suất, chất lượng bưởi bị giảm. Ông Nguyễn Hoàng Nam, ngụ xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm canh tác 4.000m2 bưởi da xanh cho biết: “Mọi năm sâu chỉ xuất hiện vào mùa nắng nhưng không hiểu sao năm nay lại xuất hiện luôn cả mùa mưa và số lượng rất nhiều. Một số nông dân dùng túi bao trái cũng bị. Hiện tại nông dân sử dụng biện pháp thường xuyên thăm vườn để khi phát hiện bướm đẻ trên quả bưởi sẽ tiêu diệt bằng thuốc sinh học nhằm hạn chế thiệt hại”.
Ông Trần Văn Hoàng Em - Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã nông dân trồng 280ha bưởi da xanh, trong đó có khoảng 200ha đang cho quả. Thời gian gần đây, sâu đục quả bưởi phát triển mạnh, gây hại nhiều vườn bưởi nên địa phương phối hợp với cán bộ khuyến nông, trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn người dân cách phòng, tránh.
Một số biện pháp phòng trừ
Một số nhà vườn đã áp dụng các biện pháp như: dùng vòi nước công suất lớn rửa quả bưởi để giúp trôi trứng sâu bám trên vỏ, dùng túi bọc quả khi còn nhỏ để ngăn bướm đẻ trên quả bưởi, dùng các chế phẩm sinh học để diệt loài bướm... Gia đình ông Võ Thanh Quang, ngụ thị trấn Giồng Trôm có 4.000m2 đất trồng bưởi xa xanh đang phát triển tốt nhờ ngăn chặn sâu phá hoại.
Ông Quang cho biết: “Ngoài việc thăm vườn, kiểm tra quả bưởi thường xuyên để phát hiện sâu đục quả thì tôi dùng vòi phun nước để rửa quả bưởi. Khi đó, vòi phun mạnh vào quả bưởi thì trứng sâu sẽ rớt xuống đất, không gây hại cho quả bưởi”. Theo ông Quang, một số nông dân xung quanh còn dùng túi bao quả khi còn nhỏ hiệu quả cũng rất cao nhưng tốn nhiều công sức và chi phí. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn bắt buộc phải làm vì chỉ cần sơ suất là sâu tấn công gây thiệt hại lớn.
Nhiều địa phương, bà con nông dân thực hiện tốt việc phòng trừ loài sâu đục quả bưởi nên giảm thiệt hại. Bà Cao Thị Triêm - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Giao Long (xã Giao Long, huyện Châu Thành) cho biết: “Hiện nay, HTX trồng 41ha bưởi da xanh với 55 xã viên thì hầu như vườn nào cũng bị sâu đục quả bưởi gây hại với số lượng từ 5 - 10%. HTX đã chủ động tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn xã viên cách phòng trừ. Trong đó, khuyến cáo xã viên thường xuyên thăm vườn, khi thấy loài bướm (đẻ trứng nở thành sâu gây hại quả bưởi) nhiều thì đồng loạt dùng chế phẩm sinh học để tiêu diệt, ngăn không cho đẻ trên quả bưởi. Đồng thời, nắm được quy luật đẻ trứng của loài bướm này là vào thời điểm khoảng mùng mười (âm lịch) và cuối tháng nên tập trung tiêu diệt sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sâu gây hại”.
Ông Nguyễn Phúc Hiệp - Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: “Ngành nông nghiệp đã tập huấn quy trình phòng trừ sâu đục quả xuống các HTX, tổ hợp tác, nông dân trồng bưởi. Hàng tháng các tổ hợp tác trồng bưởi sinh hoạt thì cán bộ trạm bảo vệ thực vật, khuyến nông các huyện tham gia hỗ trợ nông dân, khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sâu đục quả bưởi”.
Hiện tại, biện pháp quản lý dịch hại trên vườn bưởi được ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân là thăm vườn thường xuyên để phát hiện thời gian sinh trưởng của sâu đục quả bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu mới hình thành; tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch kết hợp bón phân, bồi bùn để tiêu diệt nhộng; thu gom những quả bị nhiễm để diệt sâu nhằm tránh lây lan. Đồng thời, thực hiện các biện pháp sinh học như: nuôi dưỡng và bảo vệ kiến vàng để ăn sâu, trứng và tấn công bướm; nhân thả ong ký sinh. Bao quả bưởi lúc còn nhỏ, sử dụng thuốc thuộc nhóm trừ sâu sinh học để diệt bướm, sâu gây hại...
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện diện tích bưởi da xanh bị sâu gây hại khoảng 69ha, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Chợ Lách... Trong đó, Giồng Trôm là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hơn 35ha, tỷ lệ quả bị thiệt hại ở vườn bưởi nhiễm sâu đục từ 5 - 10%, cá biệt có vườn lên đến 50%.
0 nhận xét: