Các băng nhóm hình thành, có dấu hiệu đòi bảo kê, tranh mua, tranh bán dưa hấu tại Gia Lai. Chúng sẵn sàng lao vào nhau với dao, rựa, ống tuýp sắt nếu mâu thuẫn, xung đột.
Ngày 6.3, UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết, đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện xác minh thông tin "khoảng 60-70 người từ Hải Phòng đến địa bàn huyện để bảo kê, ăn chặn, ép các chủ ruộng dưa, gây bức xúc cho người trồng dưa".
Các băng nhóm để người dân bán dưa loại 1 (loại tốt nhất) cho các thương lái xuất đi Trung Quốc. Sau đó, tìm cách "tranh giành thu mua dưa loại 2" để bán lẻ các đại lý trong tỉnh và vùng phụ cận.
Lâu nay, dưa loại 2 đã được các thương lái gốc Bắc thu mua. Nay thấy lợi nhuận, để chiếm lại thị phần, băng nhóm người bản địa huyện Krông Pa "lao" vào cạnh tranh. Bực tức vì cản trở, băng nhóm phía Bắc đòi tuyên chiến. Hai bên điều quân với dao rựa, mã tấu, ống tuýp sắt gọt nhọn... chờ lệnh xông lên.
Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) - Hà Văn Đường - cho biết: "Vụ việc xảy ra là ở các vườn dưa tại xã Ia Rsai, nhưng họ hẹn nhau ra ngã ba (cách UBND xã Chư Rcăm 300m) để gây hấn. Người dân và công an xã phát hiện, báo công an huyện can thiệp, ngăn chặn". Hai bên chờ lệnh lao vào thì bất ngờ lực lượng công an huyện có mặt kịp thời giải tỏa.
Trưởng Công an huyện Krông Pa - thượng tá Phùng Quang Tuấn - cho biết, các thương lái người Nghệ An, Nam Định (cư trú Đắk Lắk) từ trước đến giờ, thu mua dưa ở địa phương, giờ bị băng nhóm người bản địa huyện Krông Pa xô xát, gây hấn. Thủ đoạn là ép các thương lái muốn mua dưa phải thông qua chúng.
"Qua điều tra, chúng tôi chủ động có mặt ngay từ đầu để can thiệp. Thông tin 60 - 70 đối tượng toàn từ Hải Phòng là chưa thực sự chính xác. Nếu để xảy ra vụ việc (bảo kê, xin tiền), công an địa bàn, trinh sát địa bàn, Đội điều tra được giao nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm trước Trưởng công an huyện", thượng tá Tuấn khẳng định.
Thượng tá Tuấn cũng cho hay, đã chỉ đạo trinh sát vào tận các chủ vườn trấn an tâm lý, để lại số điện thoại (gọi đi không mất tiền) để người dân báo công an nếu xuất hiện các băng nhóm có dấu hiệu đe dọa người dân. Trong diễn biến liên quan, nghề trồng dưa hấu đang đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành nông nghiệp huyện Krông Pa lưu tâm.
Anh Phùng Văn Diên (trú Bình Định) thuê 4 ha đất ở huyện Krông Pa (Gia Lai) chỉ với giá 25 triệu đồng, chi phí đầu tư 600 triệu đồng, ruộng dưa khi bán anh thu về 1,2 tỉ đồng. Vụ mùa dưa chỉ có 3 tháng, anh bỏ túi 600 triệu đồng. Trung bình 1 hecta dưa, người dân đầu tư 120 - 150 triệu đồng, khi bán thu về 250 - 300 triệu đồng.
Nhiều cán bộ ở huyện Krông Pa - băn khoăn: "Tại sao người Krông Pa nghèo, nhưng lại không học hỏi mô hình trồng dưa của người Bình Định? Các cơ quan nông nghiệp (Phòng NNPTNT huyện, khuyến nông) không học tập mô hình, hướng dẫn cho người dân?. Tại sao lại để người dân huyện mình khoanh tay nhận tiền cho thuê đất, "nhàn cư vi bất thiện" dễ xảy ra tệ nạn, mất an ninh trật tự, trong khi nghề trồng dưa lại là mô hình xóa đói giảm nghèo khá hiệu quả".
0 nhận xét: