Chàng trai trên cao nguyên Đắk Lắk đã thành công khi khởi nghiệp với một sản phẩm nông nghiệp quen thuộc là trái mãng cầu.
Tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột vừa qua, Nguyễn Văn Sơn (27 tuổi, trú xã Ea Kly, H.Krông Pắk, Đắk Lắk) được tỉnh hỗ trợ một phần chi phí để tham gia gian hàng dành cho thanh niên khởi nghiệp trong hội chợ - triển lãm.
Sản phẩm Sơn giới thiệu, trưng bày là trà mãng cầu được khá đông khách hàng tham quan và họ rất thích sản phẩm của Sơn.
Ban đầu làm trà trái cây với quả mãng cầu xiêm, Sơn cũng chật vật với cách làm thủ công khi chế biến từ quả mãng cầu tươi sang sấy khô. Sơn cũng cất công chở sản phẩm trà mãng cầu đóng gói đi giới thiệu, ký gửi ở các cửa hàng trong tỉnh.
Mãng cầu xiêm được nông dân Đăk Lăk trồng nhiều, chất lượng tốt nhưng bán quả tươi giá trị lại không cao. |
Dần dà, được khách hàng sử dụng, tin tưởng, số lượng hàng đặt tăng lên, Sơn đầu tư hơn 150 triệu đồng mua máy móc, thiết bị phục vụ việc chế biến cắt lát, sấy mãng cầu.
Sơn cũng đưa sản phẩm của mình đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá để được cấp chứng nhận về chất lượng, an toàn, vệ sinh. Trong năm 2018, sản phẩm trà mãng cầu của Sơn đã được giới thiệu ở nhiều hội chợ trong nước, được nhận giải ba cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.
Sơn cho biết hiện mỗi tháng làm ra khoảng 60 kg trà mãng cầu khô, giá bán 1,15 triệu đồng/kg. Ngoài ra, cứ 2 tháng Sơn gia công chế biến cho một cơ sở ở Hà Nội khoảng 50 kg để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sau 1 năm khởi nghiệp, Sơn đã đưa sản phẩm trà mãng cầu lên kệ của 20 cửa hàng, đại lý ở Đắk Lắk và nhiều tỉnh, thành khác; đồng thời số lượng người đặt mua qua mạng cũng ngày càng tăng.
“Ngoài trà mãng cầu, hiện mình cũng đang học hỏi, nghiên cứu để làm thêm mứt, nước ép từ quả mãng cầu, trước khi tiến đến chế biến sản phẩm từ các loại trái cây khác”, chàng trai này thổ lộ.
0 nhận xét: