Sau cơn mưa, cây nho rừng lại tiếp tục sinh trưởng phát triển, đơm hoa và cho ra quả chi chít. Có những chùm từ 400 – 600 quả, thậm chí cả ngàn quả.
Khi chín nho rừng chuyển sang màu tím rất đẹp.
Là một trong những người có niềm đam mê "theo đuổi" cây nho rừng, anh Đào Văn Thắng (phường Bảo An, TP. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) chia sẻ, cây nho rừng rất thú vị, quả chi chít, màu sắc hấp dẫn và có mùi vị cực lạ.
Đáng chú ý, cả hoa và quả của nho rừng đều rất đẹp, mỗi khi ngắm nhìn đều say mê. Quả giai đoạn nhỏ có màu xanh, mỗi chùm ít nhất từ 60 – 70 quả, nhiều từ 400- 600 quả và thậm chí cả ngàn quả. Khi già có màu đỏ và chín chuyển sang màu tím, vị rất ngọt, chính vì đó mà các con vật trên rừng thường ghé thăm mỗi khi quả nho rừng chín. Riêng cây nho, lúc nhỏ có lá, khi giai đoạn mang hoa, quả thì lá bị hủy.
Có những chùm cho ra quả chi chít, cả ngàn quả.
Theo anh Thắng, nho rừng cho ra hoa vào khoảng tháng 7 Dương lịch và cho ra quả từ khoảng tháng 9 đến tháng 10, mỗi năm duy nhất chỉ có một vụ. Đây là điểm khác biệt so với giống nho truyền thống. Cây nho rừng thường mọc trên đồi núi hoặc xung quanh các khe suối nên việc tìm kiếm loại nho rừng này không hề dễ dàng.
Sau khi nghiên cứu, anh Thắng nhận định, bộ phận gốc, lá nhỏ hơn so với các giống nho truyền thống của địa phương và đây là loại cây thích mọc tự nhiên. Bộ rễ của nho rừng rất to, ăn xuống đất khá sâu, phát triển rất mạnh và đặc biệt tích trữ được chất dinh dưỡng rất cao, có khả năng đáp ứng nuôi cây vào mùa khô hạn.
Hoa của nho rừng luôn luôn cuốn hút người xem.
Anh Thắng kể: “Trong một lần, tôi khám phá thấy một cây nho rừng, với mục đích bảo tồn cây nho, tôi cùng người thân dùng dụng cụ hì hục đào gốc về trồng. Cả ba người bất ngờ nhận được niềm vui bất khi chinh phục một gốc nho rừng bằng bắp chân người”.
Anh Thắng chia sẻ kỹ thuật về trồng cây nho rừng: Hiện nay, nho rừng có thể trồng bằng nhiều phương pháp như dâm cành, bằng hạt…Giống nho rừng phù hợp với nhiều loại đất, khả năng thích nghi với khí hậu khô hạn cao.
Anh Thắng dốc toàn bộ sức lực để nhân giống và tạo ra những sản phẩm độc đáo từ loại nho rừng kỳ diệu này.
Với quyết tâm chinh phục giống nho rừng, nhiều năm nay anh Thắng đã lặn lội vào rừng săn lùng nho rừng và đến nay bước đầu chàng trai trẻ đã thực hiện được điều mình mong ước. Ngoài nghiên cứu nho rừng, anh còn nghiên cứu một số giống nho có chất lượng cao khác.
Qua tìm hiểu, cây nho rừng phân bố chủ yếu ở vùng núi huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) và huyện Bác Ái, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam (Ninh Thuận). Nho mỗi năm chỉ duy nhất cho ra quả một vụ, quả sau khi thu hoạch về qua công đoạn xử lý, rồi dùng để làm nước uống hoặc dùng ngâm rượu, rất giàu dinh dưỡng. Một số bà con hiện đã tận dụng mùa vụ mang dụng cụ vào rừng để hái và xuất bán cho thương lái có thêm thu nhập từ "lộc rừng" quý hiếm.
0 nhận xét: