Vụ thu hoạch này, giá đại táo của nhiều hộ ở Chi Khê, huyện Con Cuông khá cao, nhưng người trồng táo lại buồn do mất mùa.
Vườn táo của bà Nguyễn Thị Lê đang vào vụ thu hoạch nhưng nhà vườn vẫn không vui vì mất mùa.
Sạp đại táo của bà Nguyễn Thị Lê thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê, từ nhiều ngày nay khá đắt khách. Người mua vãng lai chú ý đến đại táo không chỉ bởi quả to mà ăn giòn và ngọt. Khi chín, quả táo vẫn giữ được màu xanh đặc trưng. Tuy nhiên, bà Lê cho biết: "Táo năm nay được giá nhưng quả nhỏ hơn các năm khác, mất mùa. Cuối năm lượng khách mua nhiều nhưng hàng ít quá”.
Chính vì quả nhỏ nên các sạp táo có các mức giá khác nhau từ 15.000 - 40.000 đồng, tùy theo chất lượng quả. Tuy nhiên, lượng quả đẹp, to, chất lượng tốt thì không nhiều. Bà Lê trồng 70 cây đại táo, năm 2017 cho khoảng 3 tấn táo thì năm nay chỉ thu được khoảng 1,5 tấn.
Đại táo trở thành mặt hàng bày bán từ vài năm trở lại đây của người dân ở một số thôn, bản của xã Chi Khê.
Những ngày đầu năm mới 2019 này đang là thời điểm thu hoạch táo, nhưng nhiều vườn táo tuy khá trĩu quả nhưng quả chỉ to bằng đầu ngón tay, thỉnh thoảng mới có được một vài quả to đủ “tiêu chuẩn” đem ra sạp bán.
Cũng như bà Lê, ông Trần Huy Chương sở hữu 60 gốc đại táo buồn bã chia sẻ :”Hằng năm cứ đến giáp Tết chúng tôi trông chờ vào vụ táo, nhưng năm nay thu nhập từ táo không được tốt. Năm nay giá táo có cao hơn năm ngoái nhưng mất mùa. Thu nhập thấp hơn nhiều so với năm ngoái”.
Vườn cây táo ông Chương xanh mướt, quả nhiều nhưng rất bé, nhiều quả còn vàng ửng có dấu hiệu rụng. Nhiều cây táo cao hơn 2 mét, sai quả, mỗi cây như vậy cũng giúp ông thu về khoảng 1 triệu đồng.
Theo những nông dân trồng táo ở Chi Khê thì vụ này là thất thu so với những năm trước.
Ông Chương cho biết: Đại táo là thứ trái cây khá mới lạ nhưng được người dân ưa trồng bởi giá bán ổn định. Tuy nhiên, giống cây này thường bị ruồi vàng gây hại và người dân phải dùng những viên long não đựng trong chai nhựa để xua đuổi.
Ông Nguyễn Thế Thanh, trưởng thôn Quyết Tiến cho biết: Cả thôn có khoảng 3,5 ha đại táo, là thứ cây trồng mới lạ và “khó tính”. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế mà nó mang lại giúp nông dân cải thiện thu nhập nên bà con vẫn ưa trồng. Riêng vụ táo năm 2018 - 2019, cây ra hoa vào tháng 8 âm lịch nên tỷ lệ đậu quả không cao. Cùng với đó là sâu bệnh phát triển mạnh đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như năng suất táo.
Ông Trần Huy Chương, một hộ trồng 60 cây táo cũng chịu chung thiệt hại.
Thông tin từ UBND xã Chi Khê cho hay, ngoài thôn Quyết Tiến, nơi trồng nhiều đại táo nhất thì các thôn bản như Tiến Thành, Trung Đình cũng có một số hộ đang trồng. Tuy nhiên, hầu hết những hộ trồng đại táo đều thất thu trong vụ này.
0 nhận xét: