Những năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã có nhiều hộ dân chú trọng phát triển cây cam, quýt và bước đầu có thu nhập đáng kể từ cây ăn quả này.
Nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương tương đối phù hợp nên trong những năm qua, gia đình bà Lý Thị Phin ở thôn Hang Slậu, xã Thượng Ân đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam, quýt. Bà Phin cho biết: Trước đây, gia đình bà đã trồng nhiều loại cây ngô, đỗ, lạc trên đất vườn đồi nhưng không thu được hiệu quả cao. Năm 1997, gia đình mạnh dạn đưa cây quýt trồng thử nghiệm. Do chưa được tiếp cận khoa học kỹ thuật, những cây trồng ban đầu đều ươm từ hạt, trồng lâu năm mới được thu hoạch, quả lớn không đồng đều. Vài năm trở lại đây, được ngành chức năng tập huấn khoa học kỹ thuật, gia đình bà Phin đã tự chọn lọc cây cho quả to, ngon để chiết cành mở rộng diện tích. Cùng với đó, được tỉnh hỗ trợ trồng theo dự án, gia đình bà đã trồng hàng trăm cây cam Xã Đoài. Đến nay, gia đình đã có khoảng 500 cây cam, quýt, trong đó có 300 cây cho thu hoạch. Ước vụ quýt này nhà bà thu được khoảng 40 triệu đồng.
Không chỉ gia đình bà Phin, những ngày này, gia đình chị Bàn Thị Lan ở thôn Nà Chúa, xã Trung Hòa cũng đang tất bật thu hoạch quýt để bán. Hiện gia đình chị trồng hơn 200 cây quýt, hơn 150 cây mận sớm, hồng không hạt, mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng. Từ một hộ nghèo khó, nhờ mạnh dạn phát triển trồng cây ăn quả này hiện nay gia đình chị đã thoát nghèo.
Từ trồng cam, quýt, hằng năm gia đình bà Lý Thị Phin ở thôn Hang Slậu có thu nhập hàng chục triệu đồng. |
Đất đai, khí hậu trên địa bàn huyện Ngân Sơn không chỉ phù hợp với giống cam, quýt tại hai xã trên, trong những năm qua trên địa bàn xã Lãng Ngâm, thị trấn Nà Phặc một số hộ cũng đã trồng và có thu nhập khá từ loại cây ăn quả này. Đồng chí Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết: Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn trồng cây cam, quýt trên đất vườn đồi. Tổng diện tích cam, quýt do người dân tự phát trồng và các dự án hỗ trợ của toàn huyện đạt hơn 43,3ha, diện tích cho thu hoạch 9,1ha. Từ phát triển cây cam, quýt nhiều hộ đã có thu nhập khá để cải thiện đời sống.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất đồi thấp, hiệu quả kinh tế không cao sang trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập; thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến lâm và chương trình khác, huyện Ngân Sơn đã triển khai trồng thử nghiệm các loại giống cam, quýt mới trên địa bàn, như: “Xây dựng mô hình phát triển cam, quýt” tại xã Thượng Ân. Dự án được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017 tại 10 thôn trên địa bàn xã Thượng Ân, do Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương chuyển giao công nghệ.
Qua 3 năm triển khai, dự án đã tập huấn cho 336 lượt hộ dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản sản phẩm cam, quýt; tiến hành cải tạo 1,5ha quýt địa phương, vườn quýt sau khi cải tạo năng suất tăng 25%, chất lượng, mẫu mã đẹp hơn. Cán bộ dự án tiến hành bình tuyển và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 30 cây quýt đầu dòng. Trồng được 15ha cam quýt, trong đó 2ha cây cam Xã Đoài, 13ha quýt Bắc Kạn, tỷ lệ cây sống sau trồng đạt 95%, cây sinh trưởng phát triển tốt, đến nay một số vườn cam, quýt bắt đầu cho thu hoạch.
Từ việc thực hiện mô hình này sẽ mở ra cho bà con xã Thượng Ân nói riêng và người dân Ngân Sơn nói chung hướng đi mới phát triển cây ăn quả đặc sản, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
0 nhận xét: