Sau nhiều năm trồng chè và bạch đàn trên diện tích hơn 1ha, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng thôn Kiên Đình, xã Quang Sơn (Lập Thạch) đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Nhờ đất đai phù hợp với giống cây này, những lứa quả thanh long đầu tiên đã đem lại kết quả đáng mừng.
Chia sẻ về những năm tháng khó khăn, chị Hằng cho biết, gia đình đã gắn bó với cây chè được gần 20 năm cho đến khi quyết định chuyển đổi sang trồng cây thanh long. Do thiếu vốn để mua con giống, xây chuồng trại để chăn nuôi, năm 1987 hai vợ chồng chị Hằng bắt tay vào khai hoang, trồng chè và bạch đàn trên diện tích hơn 1ha. Với các công đoạn từ trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến sản phẩm đều làm thủ công, không được hỗ trợ bằng thiết bị máy móc gì, sản phẩm làm ra chất lượng không cao, lại cộng thêm việc không có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Do vậy, quanh năm làm lụng hai vợ chồng chị Hằng chỉ đủ ăn, cái nghèo vẫn đeo bám, tiền ăn học của các con luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng anh chị.
Đang loay hay chưa biết làm sao để thoát nghèo thì tình cờ chị Hằng nghe được qua đài radio mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở xã Vân Trục (Lập Thạch). Với bản tính dám nghĩ, dám làm, chị Hằng lặn lội tìm đến tận nơi để mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ. Sau khi nắm vững kỹ thuật, năm2016 chị Hằng đã dốc toàn bộ nguồn vốn của gia đình, thuê máy xúc loại bỏ hoàn toàn cây chè để trồng 160 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích hơn 1ha. Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, cây thanh long ruột đỏ đã thích nghi rất tốt với điều kiện đất đai nơi đây, sinh trưởng và phát triển ổn định.
Ngay vụ đầu tiên, cây đã cho quả to, vị ngọt, thơm mát. Chị Hằng đem ra chợ đầu mối bán 40 nghìn đồng/kg. Nhận thấy cây thanh long không quá khó trồng, lại cho thu hoạch ổn định, từ đầu năm 2017 đến tháng 3 năm 2018, với việc đầu tư trồng thêm 1.500 trụ, gia đình chị Hằng đã thu được hơn 100 triệu đồng. Được biết khi vườn cây vào năm thứ 3, ước tính hơn 1.600 trụ trưởng thành hiện tại sẽ cho thu hoạch 20 tấn quả/lần thu hái. Hiện tại, sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình chị được tiêu thụ tại thị trường trong huyện và các thương lái từ Thái Nguyên sang tận nơi thu mua.
Sắp tới, gia đình chị Hằng tiếp tục đầu tư công trình cung cấp nước và hệ thống điện cho vườn thanh long để cây ra quả trái vụ, cho thu nhập cao hơn.
Bà Trần Thị Cúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Sơn cho biết: “Bước đầu cho thấy,hướng đi mới trong phát triển kinh tế bằng cây thanh long ruột đỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ vườn cây của mình, gia đình chị Hằng đã từng bước xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, hy vọng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại địa phương”.
0 nhận xét: