Tháng 12, khi những trái cam chín vàng rộ, trải màu vàng óng trên những triền đồi, cũng là lúc người dân ở xã Tân Lập (Mộc Châu) tất bật thu hoạch, hân hoan niềm vui mùa bội thu.
Vườn cam của nông dân xã Tân Lập (Mộc Châu).
Trở lại Tân Lập những ngày này, đâu đâu cũng thấy những vườn cam tấp nập thương lái đến thu mua. Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Danh Sơn ở tiểu khu 12, là người tiên phong mang cây cam về trồng trên vùng đất Tân Lập. Đưa chúng tôi đi thăm vườn cam có trên 2.000 cây cam đường canh và cam lòng vàng V2, anh Sơn chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cây mận hậu và một số loại cây lương thực. Trong một lần tình cờ thăm mô hình trồng cam ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, được nghe và tận mắt thấy những cây cam sai trĩu quả và ăn rất ngon, tôi nảy sinh ý tưởng đưa cây cam về trồng trên diện tích đất vườn của gia đình. Với phương châm vừa trồng vừa theo dõi, đánh giá sự phát triển của cây để có hướng mở rộng, năm 2013, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 550 cây cam giống lòng vàng V2 và đường canh, sau một năm chăm sóc thấy cam phát triển tốt, ít sâu bệnh, có triển vọng, nên các năm tiếp theo, tôi mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình có vườn cam với trên 2.000 gốc và đã cho thu hoạch.
Thấy công sức lao động của mình bỏ ra thu được thành quả xứng đáng, anh Sơn phấn khởi nói: Dự kiến năm nay vườn cam của gia đình tôi thu được 20 tấn cam đường canh bán với giá 30 nghìn đồng/kg và 15 tấn cam V2 bán với giá 12 nghìn đồng/kg, vụ cam năm nay gia đình sẽ thu lời trên 500 triệu đồng. Ngoài cây cam, gia đình tôi còn trồng thêm 400 cây bưởi đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Nông dân xã Tân Lập (Mộc Châu) thu hoạch cam.
Để tìm hiểu thêm về sự phát triển của cây cam ở Tân Lập, chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình ông Hà Văn Quý ở bản Hoa 1. Ông cũng là một người gắn bó với cây cam nhiều năm và đã thu được trái ngọt. Nhận thấy điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với cây ăn quả có múi, lại được đi thăm nhiều mô hình trồng cam ở các địa phương khác, năm 2014, ông Quý cất công về Viện Nông nghiệp I để tìm mua giống cam và học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc. Vừa làm vừa rút kinh nghiệp và tìm hiểu thêm kỹ thuật, vườn cam của gia đình ông Quý phát triển rất nhanh, sau 2 năm trồng đã cho bói quả. Ra thăm vườn cam của ông Quý, chúng tôi thấy cây nào cây ấy trĩu quả. Nhiều cây, quả đều tăm tắp đậu thành chùm từ 5-7, thậm chí 9-10 quả, phải chằng dây buộc chống đỡ cây. Nhấc chùm cam chín vàng, ông Quý cho biết: Với hơn một ha cam đường canh và cam Vinh, vụ này gia đình tôi ước thu được 50 tấn quả, thu nhập từ riêng vườn cam ước đạt trên 700 triệu đồng.
Cam cho quả ngọt cũng là thời điểm nhiều thương lái tấp nập tìm về thu mua. Nhờ vậy, nông dân xã Tân Lập không phải mang sản phẩm đi bán mà cam được cân ngay tại vườn. Ngoài sản lượng tăng, thị trường tiêu thụ cam khá đa dạng. Anh Nguyễn Xuân Văn, thương lái nhiều năm thu mua hoa quả ở Mộc Châu, cho biết: Trước đây, khách liên hệ đặt hàng với tôi chủ yếu ở khu vực nội tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận. Năm nay, nhiều siêu thị, cửa hàng ở các thành phố lớn đã liên hệ, hợp tác để đặt điểm cân thu mua cam Mộc Châu. Với giá thu mua cam Vinh, lòng vàng V2 từ 10 - 12 nghìn đồng/kg và cam đường canh từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, người trồng cam năm nay thu lợi lớn.
Giá thu mua cam Vinh, lòng vàng, V2 từ 10 - 12 nghìn đồng/kg và cam đường canh từ 25 - 30 nghìn đồng/kg.
Anh Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã vui mừng trước vụ cam được mùa của người dân, thông tin: Thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng phù hợp để phát triển, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả có múi chất lượng cao, như: Cam, bưởi cùng một số loại cây khác, như: Chanh leo, bơ, mận, nhãn... Hiện, toàn xã có trên 20 ha trồng cam. Tuy là loại cây trồng mới nhưng cây cam rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nơi đây. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cam, bưởi để hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân vừa tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thăm quan và trải nghiệm.
Cây cam đã chứng minh hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng truyền thống, thành công của các gia đình trồng cam trong xã sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân. Tin tưởng rằng, với sự năng động, sáng tạo và cần cù lao động của người dân, sẽ biến những diện tích đất đồi trọc thành những vườn canh xanh tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm trù phú thêm mảnh đất nơi đây.
0 nhận xét: