Cây quýt xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, mang tính hàng hóa và đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân. Chính bởi vậy, nhiều năm nay, diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao này phát triển thay thế dần các loại cây đã giảm năng suất.
Vườn quýt của gia đình chị chị Trương Thị Nguyên, xóm Bản Niểng, xã Quang Hán.
Gia đình chị Trương Thị Nguyên, xóm Bản Niểng, xã Quang Hán đã có truyền thống trồng cây quýt từ lâu. Nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương tương đối phù hợp nên trong những năm qua, gia đình chị đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng quýt từ 60 gốc tự ghép giống ban đầu phát triển lên 600 gốc. Trung bình mỗi ngày khu vườn của chị Nguyên vào vụ cho thu hoạch được khoảng 60kg, vào vụ cao điểm có thể hơn 100kg. Quả chín kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch, tỉ lệ ra hoa, kết trái cao, quả quýt khi chín có màu sắc đẹp, vỏ mỏng cùng với hương thơm và vị ngọt đặc trưng.
Những năm được mùa, được giá trừ đi mọi chi phí, chị Nguyên cũng có thể thu được về hơn 400 triệu đồng tiền lãi. Bởi vậy, cây quýt đã trở thành cây trồng chính của gia đình. Việc thoát nghèo từ cây quýt đã không còn là chuyện xa lạ đối với người trồng quýt nơi đây nữa. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyên cho biết: Qua thực tế, cây quýt đã mang lại kinh tế cao hơn các cây trồng khác như lúa, ngô, bởi vậy trong thời gian tới gia đình tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng quýt. Mong muốn của gia đình và bà con trong xã Quang Hán là được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh và bảo quản sản phẩm được tốt.
Cây quýt đã mang lại kinh tế cao hơn các cây trồng khác như lúa, ngô...
Quang Hán là một trong những xã có diện tích trồng quýt nhiều nhất ở huyện Trà Lĩnh. Để có được vùng cây ăn quả như hiện nay là nhờ vào sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân. Từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay cả xã Quang Hán có hơn 100 hộ trồng quýt với trên diện tích 70 ha, tăng hơn 10 ha so với năm 2017. Cùng với việc mở rộng diện tích đất trồng, cây quýt đã đem đến cho người dân xã Quang Hán nguồn thu nhập đáng kể và đặc biệt là khai thác tốt những diện tích đất trống, đất bỏ hoang. Thời điểm này, người dân đang bước vào vụ thu hoạch quýt, bán ra thị trường với giá giao động từ 15 đến 30 nghìn đồng/kg.
Nhìn chung, cây quýt là loại cây trồng có giá trị kinh tế và đầu ra tương đối ổn định. Mức thu phổ biến của các hộ trồng quýt ở đây vào khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Giá trị kinh tế cao của cây quýt đã tạo động lực để UBND xã Quang Hán chỉ đạo, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển diện tích rẫy, đồi có giá trị thấp sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là quýt. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp của Quang Hán đã tăng lên theo từng năm. Lãnh đạo xã Quang Hán mong muốn người dân, doanh nghiệp, Nhà nước cần đảm bảo thương hiệu, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra thị trường để nhân dân yên tâm sản xuất.
Xã Quang Hán đang mở rộng diện tích trồng cây quýt đặc sản.
Việc mở rộng diện tích trồng cây quýt đặc sản này đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần giúp người dân xã Quang Hán có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm nghèo, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
0 nhận xét: