Bưởi Diễn là cây trồng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cao hạn, đất đồi vườn, mang lại hiệu quả kinh tế ở huyện Tam Nông. Tại nhiều địa phương trong huyện đã có một số mô hình trồng bưởi Diễn cho thu nhập khá, được khuyến khích nhân rộng theo quy hoạch.
Vườn bưởi Diễn của hộ ông Khổng Minh Xuyến, khu 10, xã Cổ Tiết mỗi năm cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. |
UBND huyện Tam Nông đã xây dựng kế hoạch phát triển cây bưởi Diễn giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, tập trung mở rộng diện tích trồng bưởi Diễn theo hướng hình thành các vùng sản xuất bưởi tập trung, có sản phẩm hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, mẫu mã quả. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống bưởi, tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bưởi Diễn Tam Nông; phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 160ha bưởi Diễn.
Các xã đã thực hiện rà soát, cải tạo diện tích vườn tạp và bố trí một phần diện tích đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn, trong đó tập trung vào diện tích đất ruộng dộc cao hạn, đất đồi thấp có độ dốc dưới 15 độ, có nguồn nước tưới. Việc mở rộng diện tích bưởi gắn với cơ cấu lại trồng trọt, chuyển đổi cây trồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 65ha bưởi Diễn, trong đó diện tích trồng mới gần 50ha. Công tác tuyên truyền, vận động tích tụ ruộng đất cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất có chuyển biến tích cực, toàn huyện đã hình thành 3 trang trại trồng bưởi Diễn.
Qua thực tế cho thấy, cây bưởi từ 4 - 6 tuổi đạt 40 - 50 quả/cây, cây từ 7 - 10 tuổi đạt 75 - 80 quả/cây. Ở diện tích bưởi đã cho thu hoạch, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích khoảng gần 300 triệu đồng/ha/năm. Với giá trị mang lại, bưởi Diễn thực sự là cây làm giàu cho người dân. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt không kiểm soát được chất lượng, huyện giám sát chặt chẽ diện tích quy hoạch cây bưởi, đảm bảo theo kế hoạch cụ thể để phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực tế, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Diễn cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác, nên khi chủ trương của huyện đưa cây bưởi Diễn vào trồng thay thế những cây trồng khác kém hiệu quả trên diện tích đất đồi, dốc, thì đã được nhiều người dân đồng tình và ủng hộ. Mô hình trồng bưởi Diễn đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới của địa phương. Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng và các xã tập trung vào tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăm sóc bưởi cho người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài chu kỳ kinh tế.
Là một trong những hộ có diện tích đất đồi tương đối rộng, những năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Quốc Hoàng, khu 10, xã Cổ Tiết chủ yếu trồng các loại cây truyền thống như: Sắn, vải, nhãn, xoài... Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác, nhận thấy các loại cây trồng trên cho hiệu quả kinh tế không cao mà công chăm sóc, thu hoạch rất vất vả. Qua quá trình tìm hiểu, thấy bưởi Diễn là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn mà kỹ thuật chăm sóc cũng không quá khó nên từ năm 2009 gia đình ông trồng thử nghiệm.
Ông Hoàng cho biết, ban đầu gia đình ông trồng thử 40 gốc bưởi Diễn, từ năm 2014 bắt đầu cho thu hoạch ổn định, trung bình mỗi gốc cho 50 quả với giá trung bình 20.000 đồng/quả. Quả bưởi Diễn có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ vàng, chất lượng ngon, chín vào dịp Tết Nguyên đán, có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng nên được thị trường rất ưa chuộng. Từ hiệu quả mang lại, gia đình đã trồng thêm hơn 60 gốc bưởi, đều sinh trưởng và phát triển tốt. Để có sản phẩm chất lượng thì giống bưởi, chất đất, kỹ thuật chăm sóc là quan trọng nhất. Qua tập huấn và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, trên diện tích bưởi hiện có, ông áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, tăng cường bón phân hữu cơ, tưới nước,… thu hoạch đúng độ chín để nâng cao chất lượng và mẫu mã quả.
Tuy nhiên cây bưởi Diễn trên đất Tam Nông còn phân tán, quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết. |
Cây bưởi Diễn trên đất Tam Nông bước đầu đã khẳng định được hiệu quả, tuy nhiên, việc trồng mới bưởi Diễn còn phân tán, quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, thiếu mô hình sản xuất lớn và liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất kinh doanh. Một số tiến bộ kỹ thuật mới trong những năm qua được ứng dụng nhưng nhìn chung thâm canh vẫn ở mức trung bình. Trình độ nhận thức, tập quán canh tác ở một bộ phận người dân còn mang nặng tư tưởng sản xuất nhỏ, chưa tập trung vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa.
Dù khó khăn trong quá trình phát triển cây bưởi vẫn còn nhưng hy vọng rằng với sự phổ biến áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết trong sản xuất sớm được áp dụng cây bưởi sẽ phát triển bền vững trên đất Tam Nông, là một hướng đi xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
0 nhận xét: