Xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh có diện tích đất tự nhiên trên 600ha, với hơn 4000 dân. Đất đai ở đây phần lớn là đồi thấp chủ yếu được trồng bạch đàn. Tuy nhiên, sau một vài chu kỳ sản xuất bạch đàn, đất đai trở nên cằn cỗi, khó có thể canh tác các loại cây trồng khác.
Với mục đích giúp người dân xã Gia Thanh, có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Năm 2005, UBND huyện Phù Ninh đã thực hiện dự án phát triển sản xuất cây ăn quả đặc sản - cây hồng không hạt Gia Thanh, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao hiệu quả sử dụng lao động tại chỗ. Theo khảo sát thực tế, đây là loại cây trồng phù hợp với đồi đất địa phương và có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, hồng là loại cây có tính di truyền cao lại là giống không hạt, vì vậy việc nhân giống bằng phương pháp giâm hom rễ là phương pháp hữu hiệu nhất và đảm bảo nguồn gen sạch. Công nghệ giâm hom bằng rễ đảm bảo giữ nguyên các đặc tính tốt của cây mẹ, làm tăng năng suất 15 - 20%, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao và bảo vệ độ phì nhiêu của đất. Chỉ sau một năm giâm hom, cây có thể mang ra trồng ngoài đồi gò.
Vì vậy, ngay sau khi dự án "Xây dựng mô hình trồng thâm canh giống hồng Gia Thanh trên đất đồi sau khai thác cây bạch đàn được triển khai", nhiều hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh đã tiến hành đăng ký và tuyển chọn giống để giâm hom đưa ra trồng. Gia đình chị Hán Thị Thanh Bình – khu 1, xã Gia Thanh là một ví dụ điển hình. Bắt đầu trồng hồng không hạt từ năm 2001, đến năm 2005 có dự án của huyện về chị tiếp tục nhân giống ngay từ cây trồng có sẵn của gia đình. Sau 4-5 năm cây hồng đã cho thu hoạch. Đến nay, thời điểm vào vụ mỗi ngày gia đình chị hái trên 4 tạ hồng, thu nhập trên 120 triệu đồng/ năm.
Chị Bình chia sẻ "Trước kia, gia đình phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào khai phá đồi rừng, trồng cây bạch đàn nên đời sống khá vất vả. Sau khi tham gia dự án trồng hồng không hạt, gia đình tôi được hỗ trợ cây giống và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, bón phân, làm hệ thống tưới tiêu nên công việc đỡ vất vả, năng suất quả cũng tăng hơn so với trước. Đây lại là giống cây trồng ít mắc sâu bệnh nên thuận lợi trong phát triển kinh tế...”
Cũng giống như gia đình chị Bình, gia đình anh Trần Văn Chinh ở khu 2, xã Gia Thanh với diện tích 5ha đất đồi rừng trước đây chủ yếu trồng các loại cây như vải, măng bát độ… nhưng giá trị kinh tế thấp. Anh Chinh đã mạnh dạn đăng ký và được cử đi tập huấn về kỹ thuật giâm hom, kỹ thuật chăm bón và thu hoạch hồng. Kết quả, hiện nay tỷ lệ giâm hom thành công của anh đạt 70-80%. Sau 5 năm nay, vườn hồng của gia đình anh đã có 40 cây cho quả, 20 cây có thể khai thác rễ để ươm giống. Thu nhập từ việc bán quả và giống hồng của gia đình anh hiện thu hơn 150 triệu đồng/năm.
Toàn xã Gia Thanh hiện có hơn 62ha trồng hồng không hạt. Gần như toàn bộ các hộ dân xã Gia Thanh tham gia trồng loại cây này, tập trung chủ yếu ở khu 1, khu 2. Mỗi vụ thu hoạch từ 60 - 70 tạ/ ha; thu nhập trên 100 triệu/ ha. Bên cạnh đó, những cây giống giâm hom sau 1 năm có thể bán với giá từ 70.000-100.000 đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ có kỹ thuật giâm hom có thể cho thu nhập cao từ việc bán cây giống. Sau khi mô hình được nhân rộng, trên địa bàn xã đã tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Gia Thanh có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Ông Hán Công Khanh – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh cho biết: Việc thực hiện tốt dự án trồng hồng không hạt đã tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ trong vùng dự án, khuyến khích nông dân xoá đói giảm nghèo trên mảnh đất của mình. Đối với địa phương, thông qua dự án cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ am hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc hồng và một số cây ăn quả khác. Từ đó, đưa ra những đề xuất và phương án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với vùng sinh thái, khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất đồi gò thấp một cách bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường, từng bước cải thiện đời sống của người dân trong xã. Hi vọng trong thời gian tới, dự án sẽ ngày càng phát triển để nhân rộng ra các địa phương khác.
0 nhận xét: