Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Vui buồn “vựa” chanh ở vùng đất Nậm Dù

Cây chanh bén rễ ở vùng đất Nậm Dù (Xuân Quang, Bảo Thắng) đã gần nửa thế kỷ, theo chân những gia đình đi xây dựng kinh tế mới… giờ vẫn trĩu quả. Nhưng 3 năm trở lại đây, đến vụ thu hoạch, người trồng chanh ở Nậm Dù lại buồn nhiều hơn vui…
Trái cây Lào Cai, Đặc sản Lào Cai, trái cây Tây Bắc, trái cây núi rừng, giống chanh không gai, chanh Bắc Ninh, chanh Nậm Dù, chanh Xuân Quang, chanh Bảo Thắng, chanh Lào Cao, trồng chanh
Cây chanh là cây trồng chủ lực đối với đa số các hộ dân nơi đây.

Hơn 40 năm trồng chanh


Ông Trần Hữu Năm nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, mỗi lần nhắc đến cây chanh, ông luôn tự hào, bởi ông là người đầu tiên và cũng là duy nhất mang cây chanh từ miền xuôi lên mảnh đất Nậm Dù. Ông Năm tâm sự: “Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, năm 1975, tôi và vợ rời quê hương Lý Nhân (Hà Nam) lên xây dựng kinh tế mới tại Bảo Thắng và chọn Nậm Dù làm nơi an cư lạc nghiệp. Khi lên miền núi, tài sản mà vợ chồng tôi mang theo chỉ có sức khỏe và 10 cây chanh chiết từ Lý Nhân”.

Khi được hỏi tại sao ông bà không mang loại cây trồng khác, mà lại mang cây chanh lên miền núi? Ông Năm cho biết: Đây là giống chanh không gai, do ông cụ lấy ở huyện về trồng, mọng nước, thơm và sai quả. Thôi thì xa quê, mang theo cây chanh, vừa là sinh kế, vừa là đem quê hương lên vùng đất mới. Khi lên Nậm Dù, ông lập tức cuốc đất trồng chanh, ngày ngày chăm sóc cẩn thận. Thật không ngờ, chỉ sau 3 năm bén rễ trên vùng đất mới, 10 cây chanh đã cho lứa quả đầu tiên trong niềm hạnh phúc của ông bà. Để chia ngọt sẻ bùi với những người cùng lên Nậm Dù lập nghiệp, ông đã chiết cành làm cây giống cho bà con cùng trồng. Thế là Nậm Dù trở thành “thủ phủ” chanh từ lúc nào không hay.

Trời tháng Bảy mưa như trút nước. Hôm nay có khách đến đặt mua chanh quả nên vợ chồng anh Trần Hữu Kiên, thôn Nậm Dù, người đội nón, người khoác áo mưa ra vườn cắt cho khách. Bao năm nối nghề “cha truyền”, vườn chanh của gia đình đã cho những mùa trĩu quả. Đi qua những vất vả, những ngày nắng cháy da, ngày mưa thối đất thối cát, cây chanh cũng như “thấu hiểu” được lòng người, cứ “bám đất, nuôi quả”… Nhớ lại những năm 2008 - 2015, theo lời vợ chồng anh Kiên, đó là giai đoạn “thịnh” của nghề trồng chanh, có thời điểm giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg quả, nhưng còn không có để bán. Thời đấy, vì chanh được giá nên ngoài diện tích trồng lâu năm, nhiều người ở Nậm Dù đã nhân giống, trồng chanh bạt ngàn.
Trái cây Lào Cai, Đặc sản Lào Cai, trái cây Tây Bắc, trái cây núi rừng, giống chanh không gai, chanh Bắc Ninh, chanh Nậm Dù, chanh Xuân Quang, chanh Bảo Thắng, chanh Lào Cao, trồng chanh
Người dân Nậm Dù thu hái chanh.
Cây chanh một thời đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ ở Nậm Dù, nhiều gia đình khá lên nhờ trồng chanh. Mỗi gốc chanh ở Nậm Dù bình quân có khoảng 30 - 50 kg quả, cá biệt có cây ra hàng tạ quả. Để có được những mùa quả sai trĩu cành, quả to đều, mọng nước thì cũng phải tốn công chăm sóc, bón phân chuồng, bắt sâu. Anh Kiên kể: Có những hôm tôi phải “chui” dưới những bụi chanh giữa trời nắng để bắt sâu, vì cây chanh thường bị sâu đục thân.

Vẫn một lòng với nghề trồng chanh


Từ chục cây chanh giống gốc ban đầu, sau dần nhân ra cả thôn trồng chanh. Nhà anh Kiên trước đây mỗi năm thu khoảng 5 tấn quả chanh, bình quân giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu tương đối ổn định. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, đầu mùa chanh được giá, bán được khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg quả, còn chính vụ, giá bán dưới 5.000 đồng/kg quả.

Cũng vì chanh không được giá nên anh Kiên đã chặt bỏ một phần diện tích chanh để trồng na, chỉ để lại trên 100 cây chanh quanh vườn nhà. Hiện, mỗi vụ chanh, gia đình anh thu khoảng 3 tấn quả, giá bán như hiện tại cũng không đủ công chăm sóc. Nhiều người không còn mặn mà với cây chanh, cũng chỉ chăm sóc cầm chừng, vì có chăm sóc tốt, chanh sai quả mà không được giá, khó tiêu thụ thì cũng phí công… “Có năm, vì giá quá rẻ nên các hộ trồng chanh không buồn thu hái. Nhưng nếu không hái bỏ thì cây sẽ còi cọc, thành ra phải làm việc không mong muốn, quả chanh chất đống bên vườn” - anh Kiên chia sẻ.

Do cây chanh không phải là cây trồng khó tính, không yêu cầu kỹ thuật cao, lại là cây trồng đã gắn bó lâu đời với người dân Nậm Dù, mặc dù nhiều người không còn mặn mà với cây chanh, mà chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn quả, như na, nhãn ghép, ổi… nhưng các gia đình vẫn để lại vườn chanh đủ để có thu nhập khoảng chục triệu đồng mỗi vụ. Mặt khác, quả chanh Nậm Dù thơm, mọng nước, bảo quản lạnh không bị đắng, nên vẫn được thương lái và khách hàng ưa chuộng.

Theo nhẩm tính của Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, ông Nguyễn Viết Khoản, trên địa bàn hiện có 85 ha chanh, trồng ở 20 thôn, trong đó Nậm Dù là thôn trồng chanh nhiều nhất xã, với gần 22 ha. Một ha chanh có 1.000 cây, như vậy với gần 22 ha, thôn Nậm Dù có tới 22.000 cây chanh. Sản lượng quả chanh của xã Xuân Quang đạt khoảng 10 tấn/ha, cho doanh thu từ 150 đến 170 triệu đồng/ha. “Trong cơ cấu cây trồng của xã Xuân Quang, cùng với na, nhãn thì chanh là cây ăn quả chủ lực, đem lại thu nhập tương đối cao cho người dân. Tuy nhiên, do thị trường những năm gần đây bấp bênh, nên chủ trương của xã là không phát triển mạnh cây chanh, mà tập trung thâm canh, chăm sóc để nâng cao năng suất và chất lượng quả chanh”, ông Nguyễn Viết Khoản cho biết.

Rời Nậm Dù trong cơn mưa chiều nặng hạt. Dường như nỗi lo về mùa chanh năm nay vẫn thường nhật trong tâm sự của người dân Nậm Dù. Dẫu vậy, người trồng chanh nơi này vẫn tin tưởng và mong đợi cây chanh sẽ sớm "lên ngôi" như trước…

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: