Thời gian qua, thanh long trở thành cây trồng có thế mạnh giúp nhiều hộ nông dân ở TP Uông Bí làm giàu và thương hiệu thanh long ruột đỏ đang dần được khẳng định ở vùng đất du lịch tâm linh.
Thanh long ruột đỏ leo giàn của HTX Thanh long Uông Bí cho năng suất, sản lượng tốt.
Trang trại tổng hợp của gia đình bà Lại Thị Thúy, Giám đốc HTX Thanh Long Uông Bí nằm ở khu vực thung lũng với nhiều loại cây ăn quả được trồng từ 20 năm trước. Theo lời chia sẻ của bà Thúy, nhận thấy vườn nhà có chất đất pha cát, nguồn nước tưới dồi dào chính là lợi thế để phát triển nông nghiệp, năm 2013 gia đình bà đã trồng 500 cây thanh long giống Đài Loan, nhưng không thành công nên đành phá bỏ mặc dù đã đầu tư rất nhiều tiền. Quyết tâm lựa chọn trồng thanh long, bà đã vào tận Bình Thuận để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng giống cây này.
Sau khi san gạt, hạ thấp một số khu vực đồi cao của gia đình để tạo mặt bằng, quy hoạch hệ thống thoát nước, bà đã đặt mua 3.000 cây giống thanh long ruột đỏ từ Trung tâm giống cây trồng Trung ương để trồng trên diện tích 4ha của gia đình.
Cây thanh long ruột đỏ một năm có thể ra 10 đợt quả.
Theo bà Thúy, mỗi nơi có một cách thức chăm sóc thanh long khác nhau. Song nhìn chung cây thanh long ruột đỏ chăm sóc khá dễ, mỗi lần ra hoa tiến hành bón phân chuồng ủ mục, thời tiết nắng nóng thì tưới thường xuyên. Để thuận tiện trong việc chăm sóc, bà Thúy đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt với mức đầu tư bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha. Dưới gốc phủ lớp bao giữ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Thanh long ruột đỏ sau khi trồng khoảng 1 năm thì cho quả và có thể ra 10 đợt quả/năm nếu được chăm sóc tốt. Quả thanh long của gia đình bà Thúy có màu đỏ, đẹp, thơm và ngọt nên cho hiệu quả kinh tế cao. Giá bán thanh long ruột đỏ tương đối ổn định, bình quân khoảng 25.000 đồng/kg.
Để tăng sản lượng và hiệu quả, bà Thúy còn thực hiện trồng mô hình thanh long ruột đỏ bằng giàn. Theo bà Thúy, trồng giàn sẽ tăng số lượng cây so với trồng cột trụ, quả ra nhiều và cách chăm sóc thuận lợi hơn. Thanh long trồng trụ bình quân từ 1-1,3m/cây thì với diện tích đó trồng giàn được đến 3 cây. Với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, một năm gia đình bà Thúy thu hoạch khoảng 120 tấn quả, cho thu nhập hơn 700 triệu đồng.
Quả thanh long Uông Bí có màu đỏ, đẹp, thơm và ngọt nên cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2017 TP Uông Bí đã có kế hoạch phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm cây thanh long ruột đỏ thành sản phẩm chủ lực. Do vậy, thành phố đã tư vấn, hỗ trợ, vận động hộ dân trồng thanh long ruột đỏ thành lập HTX Thanh Long Uông Bí, nhằm đưa quả thanh long ruột đỏ tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Tháng 6/2018, HTX Thanh long Uông Bí chính thức được thành lập với 7 thành viên (trong đó bà Thúy là cổ đông sáng lập) tổng số diện tích trồng thanh long là 20ha, bình quân sản lượng đạt 500 tấn/năm. HTX thành lập sẽ xây dựng kho lạnh bảo quản, gắn nhãn mác sản phẩm để xây dựng thương hiệu thanh long của Uông Bí. Riêng mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình bà Thúy đã tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá về mô hình trồng thanh long này, ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết: Hiện thành phố đã quy hoạch khu vực trồng thanh long tập trung, từng bước đưa loại cây ăn quả này trở thành thương hiệu của địa phương.
Quả thanh long của HTX Thanh long Uông Bí đóng gói đưa đi tiêu thụ.
Trước mắt thành phố yêu cầu các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, có phương án hỗ trợ kinh phí xây dựng kho bảo quản quả thanh long, đồng thời giới thiệu cho HTX tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu thành viên HTX phải đảm bảo quy trình trồng thanh long an toàn, từng bước đưa thanh long trở thành nông sản mang thương hiệu có giá trị của Uông Bí.
0 nhận xét: