Bên cạnh cây sắn, mía, huyện Sông Hinh đang hướng tới trồng chuyên canh các loại cây ăn trái. Trước mắt, điều này giúp nâng cao giá trị cây trồng, tạo thêm thu nhập cho người dân. Còn về lâu dài, địa phương mong muốn sẽ tạo ra vùng nguyên liệu cây ăn trái cung cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị chế biến.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, lâu nay, do người dân chỉ trồng manh mún theo lối tự cung tự cấp nên giá trị kinh tế mang lại cho cây ăn trái còn thấp. Trong điều kiện hiện nay, khi giá mía có nguy cơ ngày càng xuống thấp, chi phí sản xuất lại cao, người dân dần bỏ mía tìm tới các loại cây trồng khác thì việc định hướng để người dân đầu tư sản xuất ổn định là điều cần thiết. Vừa qua, địa phương làm thí điểm mô hình cây ăn trái trên diện tích 20ha, trong đó có 12ha trồng sầu riêng, 2ha bơ, 5ha xoài và 1ha ổi tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Mô hình này triển khai trong 4 năm từ 2017-2020, thu hút 33 hộ dân tham gia.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Chúng tôi xác định đây là mô hình điểm, làm tiền đề để người dân học tập rồi nhân rộng, sau đó từng bước xây dựng và tạo vùng nguyên liệu cây ăn trái, góp phần thay đổi tập quán canh tác tự cung tự cấp. Cuối cùng là nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tiến tới sản xuất gắn với công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vì vậy ngay từ khi bắt đầu, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh chú trọng tới chất lượng và nguồn gốc giống cây; chọn các hộ tham gia đã có điều kiện và kinh nghiệm trồng cây ăn trái. Cụ thể, sầu riêng hạt lép trồng 2 giống Mongthong và Ri6, cho năng suất ổn định đạt 140kg/cây/năm. Bơ boot 7 là giống bơ sáp trái vụ, nặng 300-400gam/quả, năng suất có thể đạt 100-300kg/cây. Xoài Úc cũng là giống xoài mới được du nhập vào nước ta với các ưu điểm trái to, hạt nhỏ, độ ngọt cao, tỉ lệ xơ thấp. Ổi Đài Loan có thời gian sinh trưởng ngắn, tỉ lệ đậu trái cao, vỏ mịn, thịt màu trắng, vị ngọt, giòn, ít hạt. Nguồn cung giống do Viện Giống cây trồng Miền Nam (tỉnh Tiền Giang) và Trung tâm Khuyến nông quốc gia cung cấp. Còn các hộ tham gia có vị trí đất sản xuất thuận lợi về giao thông, có nguồn nước tưới, công lao động ổn định…, để đảm bảo duy trì mô hình cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các hộ tham gia mô hình 100% kinh phí giống cây trồng, 25% chi phí lắp đặt hệ thống tưới, 30% chi phí phân bón lót ban đầu, 20% phân bón thúc NPK và thuốc bảo vệ thực vật trong 3 năm đầu. Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện, Trạm Khuyến nông khuyến ngư và Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật có trách nhiệm bám sát quá trình sinh trưởng phát triển của cây và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt tiên tiến cho người dân.
Theo Ma Tiếng ở Buôn Ken, xã Ea Bá, người tham gia trồng 0,5ha sầu riêng, cái được lớn nhất của người dân là biết kỹ thuật trồng mới để cho ra những trái sầu riêng chuẩn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu chế biến của nhà máy, có như vậy người dân mới bán được số lượng lớn. “Từ trước tới nay, tôi chủ yếu trồng manh mún, tức là thời điểm nào sầu riêng giá cao thì đầu tư vài chục gốc trồng, gặp lúc giá thấp thì chặt bỏ để trồng xoài, bơ… Có khi tiếc vì khai thác chưa hết thời gian của cây nên trên một diện tích trồng mỗi loại một ít. Mùa nào cũng có trái bán, nhưng số lượng ít, chất lượng không đồng đều, thu nhập vì thế cũng không ổn định. Tôi mong muốn trồng số lượng lớn một loại cây và được nhà máy thu mua đồng loạt khi thu hoạch. Có như vậy, đời sống của nông dân mới khá lên được”, Ma Tiếng nói.
Nhà máy chế biến nông sản Phú Yên ở thị trấn Hai Riêng đã đi vào hoạt động với công suất thiết kế 3.600 tấn sản phẩm/năm và 30 triệu lon nước trái cây/năm. Nhưng đến nay, nhà máy này vẫn chưa hoạt động hết công suất vì nguyên liệu tại chỗ còn thiếu và chất lượng chưa đảm bảo đạt chuẩn.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Mô hình 20ha cây ăn trái này với mục tiêu vừa làm thí điểm vừa nhân rộng trong dân sẽ là cơ hội giúp người dân có nhiều lựa chọn thêm các loại cây trồng khác ngoài cây mía, sắn truyền thống. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng nông dân bị ép giá khi đầu tư quá nhiều vào một vài loại cây trồng.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Mô hình 20ha cây ăn trái này với mục tiêu vừa làm thí điểm vừa nhân rộng trong dân sẽ là cơ hội giúp người dân có nhiều lựa chọn thêm các loại cây trồng khác ngoài cây mía, sắn truyền thống. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng nông dân bị ép giá khi đầu tư quá nhiều vào một vài loại cây trồng.
0 nhận xét: