Thời gian gần đây, nông dân ở các xã thường xuyên bị ngập lũ khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc các huyện: Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy ồ ạt chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sầu riêng, khiến diện tích trồng cây đặc sản này tăng đột biến, vượt khả năng quản lý, kiểm soát của chính quyền và ngành nông nghiệp.
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, nông dân khu vực này đã chuyển đổi gần 500 hecta đất lúa sang trồng sầu riêng, trở thành loại cây ăn trái chủ lực. Nhìn chung, hiện các vườn sầu riêng mới này đều phát triển tốt do người dân có sự đầu tư chu đáo về giống chất lượng cao, về công lao động chăm sóc, bón phân, phun thuốc đầy đủ…
Tuy nhiên, hầu hết các vườn sầu riêng đều trồng trên nền đất lúa, nên mặt liếp thấp, mực thủy cấp thấp, hệ thống thủy lợi không phù hợp với một loại cây trồng rất nhạy cảm với ngập úng như sầu riêng. Mặt khác, diện tích trồng sầu riêng này chưa được chính quyền địa phương quy hoạch, hiện nằm xen kẽ với diện tích sản xuất lúa, nên đã có xảy ra tình trạng xung đột về hạ tầng giao thông, thủy lợi với người trồng lúa,… nên dự báo mức độ rủi ro cao hơn so với sản xuất sầu riêng ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A.
Trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực tế, thống kê diện tích sầu riêng hiện có và hiện trạng thủy lợi nội đồng, giao thông,… để tiến hành lập quy hoạch phát triển bền vững cây sầu riêng ở các xã thường xuyên bị ngập lũ này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân đừng vì chạy theo lợi nhuận quá cao của cây sầu riêng ở thời điểm hiện tại, tiến hành phá bỏ các vườn cây ăn trái khác đang cho thu nhập ổn định, hoặc liều lĩnh chuyển đổi ở những vùng đất trồng lúa trũng sâu, sang trồng sầu riêng, đồng thời tăng cường chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại để nông dân sản xuất sầu riêng có hiệu quả.
0 nhận xét: